Kinh tếĐầu tư

Siết chặt quản lý nguồn vốn ODA

16:02 - Chủ Nhật, 06/11/2016 Lượt xem: 3896 In bài viết
Từ tháng 7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) có thể sẽ đưa Việt Nam ra khỏi diện được vay vốn ưu đãi do nước ta đã trở thành nước thu nhập trung bình. Như vậy, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức), mà phải vay theo điều kiện thị trường. 

 

Đường Vành đai 3 trên cao (Hà Nội) - một trong những công trình được xây dựng từ nguồn vốn ODA đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, với lãi suất cao hơn hiện nay. Nhiều biện pháp thắt chặt quản lý nguồn vốn vay ODA đang được tích cực chuẩn bị nhằm tận dụng tối đa hiệu quả từ những khoản nợ quốc gia.

Huy động vốn ODA ngày càng khó

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 10 năm qua (2005-2015), tổng số vốn ODA vay ưu đãi đã được Việt Nam ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD. Nguồn vốn này đã được sử dụng để hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển y tế, giáo dục và đào tạo, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu... Nguồn vốn vay ODA đã góp phần đắc lực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và từng bước cải thiện đời sống của người dân. 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), nguồn vốn vay ODA thực chất là nợ quốc gia. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, Việt Nam hiện đã là quốc gia có thu nhập trung bình, vì vậy mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi. Trong bối cảnh này, việc huy động các nguồn vốn ODA sẽ trở nên khó khăn hơn và Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận dần với các nguồn vốn vay ít ưu đãi hơn. 

Từ tháng 7-2017, nhiều khả năng, WB sẽ đưa Việt Nam khỏi diện được vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA). Khi đó, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn… Vào thời điểm này, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA mà sẽ phải chuyển sang vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay cũng chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất cao hơn mức hiện hành.

Trên thực tế, trả nợ công của nước ta phần lớn vẫn sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, những năm gần đây Chính phủ đã phải thực hiện nhiều khoản vay mới để đảo nợ và bảo đảm cân đối ngân sách trả nợ. Trước thực tế các khoản vay ODA tới đây sẽ chịu lãi suất cao hơn, việc quản lý chặt nguồn vốn vay nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài đã trở thành vấn đề “nóng” của Chính phủ. "Nguồn vốn vay ODA tới đây sẽ được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ huy động thêm các nguồn vốn tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược" - ông Hoàng Hải cho biết. 

Sẽ kiểm toán các dự án sử dụng vốn vay

Theo Bộ Tài chính, bình quân mỗi năm, ngân sách nhà nước chi khoảng 1 tỷ USD trả nợ nước ngoài, gồm cả gốc và lãi. Từ đầu năm đến nay, ngân sách trung ương đã chi hơn 176,8 nghìn tỷ đồng trả nợ. Trong đó, trả nợ vay trong nước hơn 140 nghìn tỷ đồng và trả nợ vay nước ngoài hơn 36,6 nghìn tỷ đồng. Để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg với nhiều thay đổi quan trọng về quản lý nợ. Trong đó, nợ công sẽ chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch và tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát.

Được biết, Bộ Tài chính đang tích cực nghiên cứu để sửa đổi Luật Quản lý nợ công. Trong năm 2017, Bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã ban hành Thông tư 111/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016), quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo quy định tại thông tư này, báo cáo tài chính năm của chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập và theo thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp dự án nằm trong kế hoạch kiểm toán hằng năm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và được nhà tài trợ chấp thuận thì báo cáo tài chính năm đó sẽ không bắt buộc phải kiểm toán độc lập…

Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nợ công, trong đó có nguồn vốn vay nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng, việc khống chế trần nợ công ở mức 65% GDP của nước ta, không đẩy tỷ lệ vay nợ lên mức 100%, thậm chí 200% như các nước phát triển đã được Chính phủ tính toán kỹ. Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ thì kể cả trung ương, địa phương đều phải chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt. Nếu đội vốn thì người quyết định đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Điều này khẳng định quyết tâm hết sức rõ ràng về siết chặt kỷ luật ngân sách của Chính phủ trong thời gian tới.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top