Kinh tếĐầu tư

Siết chặt kỷ cương tài chính

10:49 - Thứ Hai, 14/11/2016 Lượt xem: 3457 In bài viết
Giải pháp tài chính ngân sách nhà nước của những năm tới đã được Quốc hội quan tâm bàn kỹ trong những ngày qua. Không chỉ đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách, mà Quốc hội còn bàn sâu đến giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước. Cụ thể, mục tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Nghị quyết nêu rõ: tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, cơ cấu lại thu - chi ngân sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Ngân sách 2016-2020: tăng khoảng 1,65 lần

Nghị quyết đặt rõ, chỉ tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước hơn 23,5% GDP. Bên cạnh đó, giải pháp chi được đề cập khá cụ thể, sát sườn. Trước hết, Quốc hội yêu cầu cơ cấu lại chi ngân sách. Tổng chi ngân sách cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chiếm bình quân khoảng 25%-26% tổng chi ngân sách nhà nước và giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước, để ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Nghị quyết xác định rõ tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn không quá 3,9% GDP. Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Về nợ công, Quốc hội xác định rõ là không được quá 65% GDP.

 

Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong xây dựng cơ bản là một trong nhiều cách sử dụng hiệu quả ngân sách.

Để thực hiện đạt được mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách, tăng cường thanh kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu; tích cực đôn đốc, xử lý nợ đọng thuế; xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, thu, chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Thực hiện 9 giải pháp trong thu, chi ngân sách

Để thực hiện Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Quốc hội cũng đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính và cơ chế tài chính quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước. Từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra), thống kê ngân sách theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; kiên quyết và kiên trì giảm mạnh bội chi ngân sách nhà nước.

Hai là, thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các luật về thuế. Rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.

Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về đổi mới quản lý ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước. Sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp, không ban hành các chính sách, chế độ, các chương trình, đề án khi không cân đối được nguồn; kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, chi từ nguồn dự phòng ngân sách nhà nước. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ.

Bốn là, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Năm là, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là đẩy nhanh lộ trình thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công tiến tới tính đủ chi phí, góp phần nâng cao tính tự chủ của các đơn vị; có lộ trình thực hiện giá thị trường đối với giáo dục, y tế gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách xã hội và hộ nghèo; tạo điều kiện để cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Sáu là, đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ hoặc nắm quyền chi phối theo cơ chế thị trường đảm bảo tối đa hóa lợi ích của Nhà nước và người dân.

Bảy là, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

Tám là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với thị trường tài chính, bảo hiểm và dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý nợ công theo hướng điều chỉnh phạm vi nợ công hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế của Việt Nam.

Chín là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài chính quốc gia thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia. Thúc đẩy và tăng cường tính minh bạch các thông tin tài chính ngân sách theo quy định. Giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top