Kinh tếĐầu tư

Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả sau đầu tư

08:40 - Thứ Sáu, 25/11/2016 Lượt xem: 4816 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 866 công trình thủy lợi, gồm: 13 hồ chứa, 2 trạm bơm điện, 2 trạm bơm thủy luân, 591 đập dâng và 258 phai tạm đang được sử dụng; 608 công trình đã được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 70,2%. Tổng chiều dài kênh mương là 1.477,8km, trong đó, hơn 1.103km kênh (bao gồm một số tuyến kênh nội đồng) đã được kiên cố (đạt 74,6%), còn lại hơn 374km là mương đất. Tổng năng lực tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi là 37.242ha; thực tế hiện nay, các công trình đang tưới cho 25.094ha ruộng (vụ chiêm xuân 10.83ha, vụ mùa 15.011ha).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các công trình đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác lúa nước, diện tích nuôi thủy sản (từ năm 2011 – 2015, diện tích vụ chiêm tăng 2.284ha, vụ mùa tăng 2.486ha, thủy sản tăng 556,4ha); góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo... Tuy nhiên, quá trình đầu tư thời gian qua vẫn còn một số công trình chưa phát huy hiệu quả, diện tích tưới thực tế thấp hơn nhiều so với năng lực thiết kế. Điển hình như các công trình: Thủy lợi Huổi Un (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) có công suất tưới theo thiết kế 174ha lúa vụ mùa, 174ha hoa màu vụ chiêm nhưng năng lực tưới thực tế hiện nay chỉ phục vụ 12ha lúa 2 vụ, 9ha hoa màu và 5,5ha nuôi thủy sản; Thủy lợi Púng Ham Xoong 1, 2 (xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ) công suất thiết kế 60,2ha nhưng chỉ phục vụ tưới thực tế cho 7,1ha lúa 1 vụ; Thủy lợi Hô Hài (xã Chà Cang, huyện Nâm Pồ) năng lực thiết kế 18,6ha, thực tế hiện chỉ đảm bảo tưới cho 0,3ha… Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là quá trình tổ chức thực hiện đầu tư và khai thác sau đầu tư còn nhiều bất cập; đặc biệt là công tác quản lý, giám sát từ khâu khảo sát đến tư vấn thiết kế, thi công, vận hành sau đầu tư...

 

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực địa hiệu quả sau đầu tư tại công trình Thủy lợi Chiếu Tính 2, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa tháng 10/2016.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Huyện Mường Chà có 51 công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng, phục vụ tưới cho trên 710ha lúa. Đa số các công trình đảm bảo phục vụ sản xuất, tuy nhiên, một số công trình diện tích tưới thực tế không đạt yêu cầu. Nguyên nhân khách quan là do thiên tai, mưa lũ gây sạt lở, vùi lấp (5/51 công trình); do nguồn nước suy giảm; việc tổ chức khai hoang còn nhiều bất cập. Vẫn biết đặc thù địa hình tỉnh ta nói chung, huyện Mường Chà nói riêng chủ yếu là đất dốc, diện tích canh tác nhỏ hẹp, việc khai hoang chủ yếu là ruộng bậc thang, nhưng thực tế cho thấy, công tác này chưa được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, việc thiết kế năng lực tưới chưa sát thực tế dẫn đến diện tích thực tưới sau khi công trình đưa  vào sử dụng rất thấp, gây lãng phí. Điển hình là công trình Thủy lợi Hồ Sỹ Dính (bản Háng Lìa, xã Sa Lông), năng lực thiết kế là 10ha nhưng hiện chỉ đảm bảo tưới cho 3ha.  

Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trước hết phải làm tốt, chặt chẽ ngay từ chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế đến thi công. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, song song với việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng thì chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và thực sự làm chủ công trình, sử dụng đi đôi với bảo vệ. Từng bước triển khai mô hình quản lý, khai thác, sử dụng nước có sự tham gia của người dân như: hợp tác xã, hội người dùng nước, tổ quản lý nước để bảo vệ, khai thác một cách bền vững.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top