Kinh tếĐầu tư

Xây dựng bến xe cấp huyện

Khó “hút” nhà đầu tư

08:39 - Thứ Tư, 29/03/2017 Lượt xem: 3746 In bài viết
ĐBP - Theo quy hoạch phát triển bến xe giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 44/QĐ-UBND ngày 4/2/2012 thì mỗi huyện, thị có ít nhất 1 bến xe đạt tối thiểu loại 5. Sau 6 năm thực hiện quy hoạch, có 6 bến xe đi vào hoạt động, song chỉ có 3 bến xe của huyện Tủa Chùa, Mường Nhé và TX. Mường Lay được đầu tư xây dựng cơ bản đạt tiêu chuẩn, các bến xe còn lại có diện tích và hệ thống hạ tầng không đạt yêu cầu.

Hiện nay, ngoài bến xe khách tỉnh và TP. Điện Biên Phủ còn 6 bến xe ở các huyện, thị xã, gồm: Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo, Tủa Chùa, TX. Mường Lay và Bến xe Bản Phủ (huyện Điện Biên) đã đi vào hoạt động. Còn 3 huyện: Mường Ảng, Điện Biên Đông và Nậm Pồ chưa được đầu tư xây dựng bến xe. Ông Nguyễn Hoài Nam, Bến trưởng Bến xe khách tỉnh, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu do không có vốn và khó quy hoạch vị trí bến xe. Như huyện Điện Biên Đông, theo quy hoạch bến xe khách rộng hơn 1.000m2 có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, xây dựng tại trung tâm huyện. Trước đây, huyện đã bố trí vốn nhưng lại chưa có mặt bằng để thi công, năm 2015 bố trí được mặt bằng lại không có vốn. Vì vậy đến nay vẫn chưa thể xây dựng, trong khi trung bình mỗi ngày huyện Điện Biên Đông có từ 100 - 150 hành khách di chuyển bằng xe khách. Do chưa có bến đỗ, nên hầu hết các xe đều đón trả khách dọc đường trong thị trấn. Hoạt động này, không những ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mà hành khách không chủ động được việc mua vé, chọn giờ, chuyến.

 

Bến xe huyện Mường Chà thành nơi buôn bán của người dân.

Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ các bến xe khách là cần thiết, tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng là rất khó khăn. Trung bình để đầu tư xây dựng được một bến xe (loại 4) phải tốn hàng tỷ đồng, trong khi đó nguồn thu hàng năm không đủ chi, thậm chí phải bù lỗ.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn để xây dựng bến xe và chủ trương xã hội hóa nhưng việc thực hiện tại tỉnh ta, nhất là tại các huyện chưa thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Lý do mà nhiều nhà đầu tư cho rằng là dân cư thưa thớt, lượt người tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải quá ít và địa hình khó khăn dẫn đến thu không đủ chi. Trong khi đó, với các nhà đầu tư thì mục tiêu hàng đầu kinh doanh là phải có lời. Và ngay như huyện Mường Ảng có địa hình tương đối thuận lợi, có trục quốc lộ 279 đi qua nhưng cũng khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào bến xe. Bởi, Mường Ảng là huyện khá gần với TP. Điện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo, nên việc đi lại của người dân thuận lợi, trong khi đó hiện nay từ TP. Điện Biên Phủ đi Mường Ảng và ngược lại đã có tuyến xe buýt hoạt động. Và quan trọng, chi phí cho việc xây dựng một bến xe đúng quy hoạch phát triển giao thông (cấp 5) thì tốn khoảng 4 - 5 tỷ đồng, nếu không có người tham gia thì nhà đầu tư sẽ khó thu hồi vốn chứ chưa nói đến có lời. Theo quy định về thu phí và lệ phí bến xe, đối với xe khách vận chuyển hành khách trên các tuyến nội tỉnh thì mức thu 2%/giá vé/số ghế thiết kế và chia 100 và liên tỉnh đường dài 1,5%/giá vé/số ghế thiết kế. Nghĩa là, nếu xe 16 chỗ ngồi xuất phát từ Mường Ảng đi vào TP. Điện Biên Phủ với giá vé 40 nghìn đồng thì nhà đầu tư sẽ thu gần 13 nghìn đồng/xe. Trong khi đó, tính trung bình hiện nay mỗi bến xe cấp huyện có 10 chuyến xe/ngày, đồng nghĩa với việc một ngày mỗi bến xe chỉ thu được hơn 130 nghìn đồng. Như vậy, mất hàng chục năm sau nhà đầu tư vẫn chưa thu hồi được vốn bỏ ra, trong khi đó chưa trừ các chi phí vật tư, hào mòn các thiết bị. Chính vì thế dù rất được khuyến khích song đến thời điểm này cả tỉnh mới có 1 doanh nghiệp đăng ký tham gia công tác quản lý bến xe theo chủ trương xã hội hóa nâng cấp, xây dựng bến xe khách tại TP. Điện Biên Phủ.

Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe với sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần bảo đảm quy hoạch bến xe trên địa bàn, thay đổi bộ mặt đô thị tại các địa phương, góp phần xóa bỏ nạn “bến cóc, xe dù”, tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải phát triển. Tuy nhiên, xây dựng bến xe khách chưa có “sức hút” đối với các nhà đầu tư, vì vốn để xây dựng hạ tầng bến bãi quá lớn trong khi đó việc thu các khoản phí từ dịch vụ vận tải lại nhỏ, lẻ nhất là tại địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top