Kinh tếĐầu tư

Chợ nông thôn đừng lãng phí ngân sách đầu tư

08:24 - Thứ Hai, 15/05/2017 Lượt xem: 5874 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chợ nông thôn được đầu tư, xây dựng với nguồn kinh phí không nhỏ của Nhà nước nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc bỏ hoang, thậm chí dẫn đến những hệ lụy trong quản lý đất quy hoạch.

Một trong số những công trình chợ nông thôn được xây dựng kiên cố nhưng bị “ghẻ lạnh” có chợ Mường Tùng, huyện Mường Chà; chợ Mường Toong, huyện Mường Nhé. Đây là những chợ nông thôn hầu như không hoạt động kể từ khi xây dựng, thậm chí khu chợ Mường Tùng còn gặp phải tình huống “cười ra nước mắt” bởi lúc chưa được xây dựng thì đây là địa điểm tiểu thương, nông dân trong vùng tập trung trao đổi hàng hóa tự phát theo dạng chợ cóc, chợ xép nhưng khi chợ được xây dựng với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng (năm 2010) hoàn thành thì cũng là lúc bà con… bỏ đi hết. Được biết, sau một thời gian dài bỏ hoang rồi được người dân tận dụng làm khu phơi phóng quần áo, trồng rau, nhốt gia súc thì đến nay chợ Mường Tùng đã có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng. Còn đối với chợ Mường Toong, khi chợ không hoạt động thì những nhập nhằng trong việc bàn giao mặt bằng, quy đổi đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương ở thời điểm xây dựng chợ đã lộ ra. Cụ thể, người dân có mặt bằng bàn giao khi thấy chợ không hoạt động đã vô tư xây dựng công trình kiên cố để chăn nuôi gia súc trong khuôn viên đất đã quy hoạch. Tìm hiểu thì đại diện hộ trả lời rằng: Chính quyền đã có cam kết quy đổi (đối trừ đất) nhưng sau nhiều năm không thấy đất mới được bàn giao và chợ thì cũng không ai vào họp nên chúng tôi lấy lại đất cũ thôi!

 

Người dân chọn mua hàng tại chợ phiên cụm xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chợ nông thôn bị bỏ hoang là do tập quán  “tiện đâu mua đấy” của người dân, sự e ngại của tiểu thương và cả việc thiếu phù hợp trong quy hoạch xây dựng chợ. Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của chợ vùng cao, ông Hờ A Tà, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 3 công trình chợ đã được xây dựng và đi vào hoạt động, gồm: Chợ trung tâm huyện, chợ Suối Lư và Mường Luân. Ban đầu, các chợ này cũng gặp phải tình trạng “xây xong chỉ để gia súc vào ngủ”, trong khi khu vực thị trấn Điện Biên Đông và vùng “3 Luân” là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa không chỉ trên địa bàn mà còn cả các khu vực lân cận thuộc tỉnh Sơn La. Trước tình trạng này, huyện xác định: Là nguồn đầu tư của Nhà nước nhưng chợ là nơi hoạt động trao đổi, mua bán của cộng đồng thì cần phải giao cho cộng đồng quản lý, hay nói cách khác, để nâng cao hiệu quả cần phải xã hội hóa hoạt động của chợ, chính quyền, phòng chuyên môn chỉ quản lý chung. Năm 2013, ngay sau khi kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đã có các đơn vị tham gia. Điển hình như hiện nay, đơn vị đứng ra thầu chợ trung tâm huyện là Hợp tác xã Thành Long; các hoạt động trao đổi, mua bán của tiểu thương trong chợ diễn ra sôi động, hiệu quả. Địa phương cũng có nguồn thu ổn định 40 triệu đồng/năm. Đây là thành quả rất đáng khích lệ bởi trước đây, khi Nhà nước quản lý trực tiếp, do kém hiệu quả nên nhiều lúc không cân đối được nguồn lương cho đội ngũ quản lý chợ. Các chợ: Mường Luân, Suối Lư cũng đang áp dụng hình thức xã hội hóa hoạt động, mặc dù chưa thể so sánh được với chợ trung tâm huyện nhưng ít nhiều cũng đã mang lại hiệu quả. Về quan điểm quy hoạch xây dựng, chợ là một trong những tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, đối với địa bàn vùng cao, mật độ dân số thấp, sức mua cũng hạn chế thì không nhất thiết mỗi xã phải có một công trình chợ, cần phải có sự tính toán trong nhiều góc độ để quy hoạch, xây dựng chợ sao cho phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách.

Ông Trần Văn Dự, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Long, đại diện nhà thầu chợ trung tâm huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Đối với địa bàn vùng cao, nhiều nội dung phải tiến hành từng bước chứ không thể vội vàng. Hoạt động của chợ cũng vậy, với mục tiêu chính là cung ứng hàng hóa, thực phẩm… cho người dân địa phương thì cần có những chính sách phù hợp với đặc thù địa phương, chợ vùng cao thì không thể áp dụng như siêu thị được. Khi trúng thầu, chúng tôi đã tiếp tục đầu tư cải tạo một số hạng mục cho phù hợp như: mở thêm các cửa, khuôn viên để xe không thu phí tiện dụng… nhằm thu hút người dân đến trao đổi, mua bán. Đối với tiểu thương đăng ký kinh doanh trong chợ, chúng tôi tổ chức bốc thăm các ki ốt, vị trí kinh doanh một cách dân chủ, công khai; phí quản lý hoạt động cũng được thực hiện công bằng, minh bạch, vì sự phát triển chung.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top