Kinh tếĐầu tư

Thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở Tủa Chùa

09:56 - Thứ Tư, 24/05/2017 Lượt xem: 5440 In bài viết
ĐBP - Là 1 trong 4 huyện nghèo của tỉnh, kinh tế - xã hội Tủa Chùa phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao, đời sống nhân dân còn khó khăn. Ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình dự án, huyện Tủa Chùa đang chú trọng phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực, tranh thủ thu hút đầu tư các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân, đóng góp một phần cho ngân sách Nhà nước.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết: Địa phương có nhiều tiềm năng thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, có nguồn tài nguyên đá, sản xuất vật liệu xây dựng. Hơn 10.000 cây chè cổ thụ, được  trồng bảo vệ trong môi trường tự nhiên khí hậu trong lành, ở độ cao trên 1.100m, không có sự can thiệp từ chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Có hệ thống hang động kỳ thú tại xã Xá Nhè, Huổi Só với vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ. Lòng hồ Sông Đà tại bản Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng; bản Huổi Lóng, xã Huổi Só; chợ phiên vùng cao, bản sắc văn hóa nhiều dân tộc thiểu số tại xã Xá Nhè, Tả Sìn Thàng. Các bãi đá ở Tả Phìn, Sín Chải, Lao Xả Phình, Huổi Só. Văn hóa ẩm thực có gà xương đen, rượu ngô mông pê, rượu thóc Huổi Só, cá sông Đà, lợn "cắp nách", chè cây cao...

Để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến kinh doanh chè trên địa bàn, mấy năm qua huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ giá thu mua búp chè cho người dân 3.000 đồng/kg, hỗ trợ gạo cho hộ trồng chè. Tạo quỹ đất, hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến chè tại 3 xã Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Sính Phình. Bản Hấu Chua có trên 3.000 cây chè cổ thụ, huyện bố trí vốn đầu tư xây dựng đường nhựa từ trung tâm xã đến bản. Tổ chức cho một số hộ nông dân trong bản Hấu Chua tham quan mô hình chăm sóc, chế biến chè ở các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên. Hoàn tất các thủ tục hành chính, chuyển nhượng, giải phóng mặt bằng... cho nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh khoáng sản (đá), xây dựng dân dụng, kinh tế trang trại VAC. 

 Bà Bùi Thị Tấm, lãnh đạo Công ty TNHH Hoàng Ánh, cho biết: Là doanh nghiệp xây dựng dân dụng và khai thác khoáng sản, nhưng mấy năm qua, huyện thực hiện cắt giảm đầu tư công, các doanh nghiệp trên địa bàn thiếu việc làm. Để duy trì tăng trưởng phát triển doanh thu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng lĩnh vực ngành nghề kinh doanh. Các phòng, ban chuyên môn của huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trên 4ha đất của người dân xã Mường Báng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế VAC. Hiện nay doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng 1ha ao nuôi cá, trồng ngô, đậu tương, rau xanh, cây ăn quả, cỏ voi, chăn nuôi gà, vịt, bò, ngựa, lợn... cây trồng vật nuôi phát triển tốt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tư hơn 4 tỷ đồng sản xuất gạch không nung tại xã Xá Nhè, cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn; thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh không còn tình trạng sản xuất gạch nung bằng củi, than đá, gây ô nhiễm môi trường và phá rừng lấy nguyên liệu đốt. Thiếu kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhận thức hiểu biết của người dân phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế hộ còn hạn chế, việc thu hút đầu tư còn khiêm tốn; khai thác hang động vào phát triển du lịch mới đang được huyện kêu gọi đầu tư.

Có chế độ, chính sách ưu đãi tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tủa Chùa là việc làm cần thiết. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực: Thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thuế ưu đãi, vốn vay, nguồn nhân lực tại chỗ... Nếu làm được điều đó, tin tưởng rằng, tiềm năng thế mạnh của huyện Tủa Chùa sẽ được khai thác, góp phần giảm nghèo nhanh bền vững.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top