Kinh tếĐầu tư

Cải thiện môi trường đầu tư

09:05 - Thứ Năm, 25/05/2017 Lượt xem: 5617 In bài viết
ĐBP - Chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ đầu tư nhất quán, định hướng thu hút đầu tư cụ thể, rõ ràng và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, Điện Biên tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện và tạo hiệu ứng rõ rệt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nổi bật với nhiều gam màu sáng đó là thu hút đầu tư vào lĩnh vực thủy điện khi thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp đăng ký tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào lĩnh vực này. Theo phân tích của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn, dù là tỉnh đặc biệt khó khăn nhưng nếu tận dụng và khai thác tốt tiềm năng sẵn có để phát triển thông qua việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực thủy điện, đất đai thì sẽ giải quyết được hàng loạt các vấn đề về tăng thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Muốn vậy, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; công khai quy hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế, như: Thủy điện, khoáng sản, nông - lâm nghiệp… nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

 

Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên) thao tác kỹ thuật cạo mủ cao su.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thuận tiện, thông thoáng, minh bạch và thân thiện, UBND tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên. Năm 2017, toàn tỉnh có 26 dự án cần kêu gọi, thu hút đầu tư thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, thủy điện, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến… với tổng vốn hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm, quy mô đầu tư lớn, như: Dự án Xây dựng trung tâm hành chính tỉnh; Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng; Khu đô thị mới phía Bắc thành phố Điện Biên Phủ; Khu đô thị ven sông phường Nam Thanh; Thủy điện Nậm Nhé 2; Thủy điện Mường Nhé 2… Phấn đấu trong năm có từ 12 - 15 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đạt trên 800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt với mục tiêu phát triển 8 cụm công nghiệp với diện tích 146,1ha. Hiện đã có 2 cụm công nghiệp được phê duyệt chi tiết là cụm công nghiệp Na Hai (huyện Điện Biên) với diện tích 49,8ha, đã được đầu tư đường giao thông, đường điện và cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo có diện tích 50,3ha; còn lại 6 cụm công nghiệp đều đã dự kiến vị trí, địa điểm. Tạo thuận lợi cũng như hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, khi đầu tư vào địa bàn, nhà đầu tư được hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, hỗ trợ đầu tư hạ tầng theo chương trình khuyến công hàng năm và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định hiện hành. Đơn cử, khi doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, nhất là ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, hàng năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thông qua chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Nội dung hỗ trợ khá đa dạng.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, UBND tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc, khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ. Trong đó, thông báo nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm để điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh (đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường...).

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top