Kinh tếĐầu tư

Điện Biên mở hướng thu hút FDI

08:29 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 6425 In bài viết
ĐBP - Nếu như đến cuối năm 2016 Điện Biên là tỉnh duy nhất trong cả nước không thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Dự án Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào tháng 3/2017 là kết quả cũng như những tín hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực thu hút đầu tư FDI vào địa bàn…

Dự án đầu tư Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng (tương đương 3 triệu USD); công suất hoạt động 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày. Diện tích mặt đất sử dụng 20.000m2 do các nhà đầu tư: Đỗ Dũng, Lưu Minh Dương, Tống Lập Pú (quốc tịch Trung Quốc) và nhà đầu tư Đinh Văn Toản, trú tại TP. Điện Biên Phủ đầu tư (trong đó, nhà đầu tư Trung Quốc góp 90% tổng vốn đầu tư). Mục tiêu dự án đề ra là thu mua sản phẩm sắn củ và sắn lát thái khô để chế biến thành tinh bột sắn, hình thành mô hình sản xuất chuỗi liên kết khép kín giữa người dân và doanh nghiệp; nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà đầu tư bên lề Hội nghị gặp mặt với doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2017.

Ông Đinh Văn Toản, nhà đầu tư thứ tư của dự án xây dựng Nhà máy Chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông, cho biết: Khi nhà máy đi vào sản xuất, chúng tôi sẽ chủ động liên kết với người dân phát triển vùng nguyên liệu sắn phù hợp với công suất chế biến; đồng thời cam kết sử dụng 100% lao động địa phương. Để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư từ phía Nhà nước (ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đất đai), chúng tôi đặc biệt tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về quy hoạch, thực hiện quản lý sử dụng đất đai; pháp luật đầu tư, xây dựng, an toàn lao động; thực hiện dự án theo đúng tiến độ cũng như chế độ báo cáo định kỳ với các cơ quan Nhà nước theo quy định... Mới đây, Công ty chúng tôi (Công ty Cổ phần tinh bột Hồng Diệp Điện Biên) đã thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với số tiền 1,05 tỷ đồng.

Việc UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn vừa qua đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra của Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2017 đó là thu hút từ 1 - 2 dự án FDI. Đây cũng là thành quả cho sự nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư FDI nói riêng. Nhất là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với quy định hiện hành; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc thu hút vốn đầu tư FDI vào địa bàn tỉnh chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là giao thông khó khăn, cách xa trung tâm thủ đô Hà Nội (gần 500km). Điện Biên cũng là một trong số rất ít tỉnh chưa có đường cao tốc với các tỉnh và trung tâm kinh tế phía Bắc; hạ tầng kinh tế kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn và chưa đồng bộ; thậm chí trên địa bàn chưa có khu, cụm công nghiệp đạt chuẩn. Nhà đầu tư khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng... Trong khi mục tiêu của nhà đầu tư là lợi nhuận và đương nhiên nơi nào “hấp dẫn”, có khả năng thu được lợi nhuận cao thì họ sẽ tìm tới. Và với tỉnh ta, thời gian qua có không ít nhà đầu tư từ các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... thậm chí cả một số quốc gia châu Âu đến tìm hiểu môi trường đầu tư, nhưng rồi vì nhiều lẽ họ đã không đủ quyết tâm để quyết định đầu tư dự án.

Trở lại dăm bảy năm về trước, dự án trồng nho tại xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) do Công ty Cổ phần Domaine Kochay (có vốn của nhà đầu tư là Việt kiều Thụy Sỹ với tổng mức đầu tư đăng ký 27 tỷ đồng đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng trong quá trình thực hiện thí nghiệm, chủ đầu tư nhận thấy không hiệu quả nên đã không tiếp tục đầu tư. Rồi vài ba dự án sau đó cũng đã được tỉnh nhất trí về chủ trương khảo sát đầu tư nhưng đến khi thời gian khảo sát dự án hết hiệu lực, các chủ đầu tư đều không thực hiện. Ví như, Dự án Khai thác, chế biến quặng chì kẽm khu vực xã Mùn Chung - Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) với số vốn dự kiến 25 tỷ đồng do nhà đầu tư Trung Quốc (Công ty TNHH Khai phát bất động sản Vĩ Nghiệp) làm chủ đầu tư. Hay như, dự án Nhà máy Thủy điện Na Phát (xã Na Son, huyện Điện Biên Đông); dự án Nhà máy Thủy điện Suối Lư (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) cùng do Tập đoàn Engada Europe làm chủ đầu tư, nhưng sau cùng dự án đã không được đầu tư như mong đợi của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Phân tích để xác định rõ những hạn chế trong thu hút đầu tư FDI, đó là do công tác giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư còn chậm so với tiến độ, khiến nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ; hoạt động xúc tiến đầu tư còn thiếu và yếu cả về nguồn kinh phí, nguồn nhân lực... Từ đó, Điện Biên xác định giải pháp để thu hút đầu tư. Hàng năm, UBND tỉnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục các dự án, giúp các nhà đầu tư nắm được những thông tin cần thiết về những dự án đang mời gọi, thu hút đầu tư. Thường xuyên cập nhật thông tin về cơ chế, chính sách và quy định chuyên ngành liên quan đến hoạt động đầu tư để cung cấp kịp thời cho các nhà đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Tập trung xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội thiết yếu đặc biệt là giao thông, điện, nước, khu - cụm công nghiệp nhằm phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai các dự án đầu tư phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; trong đó tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp. Nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, chấp thuận địa điểm đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất...

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top