Kinh tếĐầu tư

Ðầu tư thủy điện ở Ðiện Biên Ðông

Ðịa phương e dè

09:56 - Thứ Năm, 07/12/2017 Lượt xem: 13915 In bài viết
ĐBP - Trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hiện có tổng cộng 8 dự án thủy điện đã được phê duyệt, cấp phép đầu tư, thi công hoặc đang trong giai đoạn khảo sát, bổ sung quy hoạch. Cụ thể, thủy điện Sông Mã 3 đã được khởi công từ tháng 3/2016; các dự án thủy điện: Sông Mã 1, Sông Mã 2, Na Son, Na Phát đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công xây dựng; các công trình gồm: thủy điện Mường Luân, thủy điện Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 đang khảo sát, bổ sung quy hoạch. Chủ trương đã có, tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương còn nhiều băn khoăn.

 

Công trình thủy điện Sông Mã 3 đang trong giai đoạn thi công nhưng đã nhận được phản ứng trái chiều từ người dân và chính quyền địa phương.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðiện Biên tại xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông), trong số các kiến nghị của cử tri có không ít ý kiến đề cập đến chủ trương đầu tư các công trình thủy điện. Cơ bản người dân xã Mường Luân kiến nghị, thắc mắc những vấn đề như: Hạ tầng giao thông, nhất là tuyến quốc lộ 12 từ đầu huyện vào xã hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do thời gian qua, mật độ xe trọng tải lớn chở vật liệu vào xây dựng thủy điện tăng cao; một số chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư giao thông thay thế nội thôn, bản chưa đáp ứng nguyện vọng; các dự án thủy điện đang khảo sát trên địa bàn xã nhưng bà con chưa được bàn, chưa nắm bắt được quy mô, tầm ảnh hưởng… Ðại diện chính quyền địa phương, ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ… nhằm phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động địa phương là chủ trương đúng đắn từ tỉnh đến huyện, vì vậy, chính quyền xã Mường Luân luôn định hướng cho nhân dân trên địa bàn tinh thần đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nếu việc đầu tư thủy điện theo chủ trương của tỉnh cũng như đề nghị của các nhà đầu tư thì xã Mường Luân nằm trong tầm ảnh hưởng của ít nhất 4 công trình thủy điện (Mường Luân, Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 và Sông Mã 3). Trong khi đó, trong con mắt người dân, những vấn đề ảnh hưởng, gây hư hỏng đường giao thông từ việc thi công thủy điện Sông Mã 3 đã rõ, việc khắc phục cũng không thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư do vật liệu được nhập từ chân công trình, nên khi biết các nhà đầu tư tiếp tục có chủ trương khảo sát, tiến tới đầu tư thủy điện trên địa bàn, việc bà con “lăn tăn” cũng là điều dễ hiểu. Theo nắm bắt của cán bộ xã Mường Luân, điều khiến người dân trong xã băn khoăn lo ngại nhiều hơn cả là chủ trương xây dựng thủy điện Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, nhất là khu vực các bản Mường Luân 1, 2 (khu vực cầu Nậm Giói, Tháp Mường Luân và đường vào suối Nậm Mắn), bà con chỉ hiểu đơn giản là việc tích nước cho thủy điện có thể gây hạn hán, việc xả nước liệu có ngập lụt? Ngoài ra, vốn là khu vực giáp ranh, có những mối liên hệ thân tộc hoặc là đối tác trao đổi hàng hóa, nông sản với nhân dân địa bàn các xã thuộc huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, người dân cũng băn khoăn rằng liệu nhiều công trình thủy điện ở đầu nguồn có gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất của người dân tỉnh bạn, nhất là trên địa bàn các xã giáp ranh này hiện đang canh tác một số nông sản có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt như giống nhãn ghép?  

Phản ánh nội dung kiến nghị của cử tri xã Mường Luân về chủ trương đầu tư, xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn với lãnh đạo huyện Ðiện Biên Ðông, ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Huyện đồng thuận với chủ trương thu hút đầu tư về thủy điện trên địa bàn, đặc biệt là sau Thông báo số 85-TB/VPTU ngày 14/12/2016 của Văn phòng Tỉnh ủy về chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh” sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho tỉnh và địa phương, nhất là hiện nay Ðiện Biên Ðông là khu vực có đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng thuộc diện thấp nhất cả nước (6.000 đồng/ha/năm). Tuy nhiên, theo những thông tin cá nhân tôi nắm được, dọc theo lưu vực 40km của sông Mã chảy qua địa bàn huyện đã và đang có chủ trương khảo sát, đầu tư 7 công trình thủy điện. Chủ trương xây dựng thủy điện với mật độ cao như vậy theo tôi là không phù hợp, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương phải gánh chịu. Chưa có quy định cụ thể về vấn đề mật độ thủy điện trên một đoạn sông hay một địa phương nhưng xu hướng của Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương) hiện nay là kiểm soát chặt thủy điện vừa và nhỏ (toàn bộ các dự án dự kiến có chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đều là thủy điện vừa và nhỏ), ưu tiên dự án điện gió, mặt trời và sinh khối. Ðồng thời, vừa qua, Bộ Công Thương cũng có Công văn số 8855/BCT-ÐL ngày 22/9/2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về “việc phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ” trong đó nêu rõ “hiện nay vẫn còn một số tỉnh thường xuyên đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch thuần túy dựa trên đề xuất của doanh nghiệp mà chưa có cách tiệm cận, nghiên cứu tổng thể về khai thác tiềm năng thủy điện, chưa thực sự phù hợp với quy hoạch điện lực của tỉnh…”. Việc xây dựng các nhà máy thủy điện có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh, nếu không giải quyết thấu đáo sẽ để lại hậu quả. Ðó là những vấn đề như: chiếm đất rừng, đền bù tái định cư, vận hành thủy điện làm ảnh hưởng đến hạ du trong mùa lũ, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tính bền vững của cộng đồng, đời sống người dân... Quan điểm của huyện Ðiện Biên Ðông là chỉ nhất trí đầu tư tối đa 3 công trình thủy điện trên sông Mã chảy qua địa bàn huyện. Ðây là những vấn đề mà địa phương đang băn khoăn, rất mong tỉnh có những chỉ đạo phù hợp.

Chưa bố trí được buổi làm việc chính thức nhưng qua trao đổi nhanh trên điện thoại, ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện vẫn chưa thống nhất phê duyệt toàn bộ các dự án đầu tư thủy điện trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông nên chưa thể kết luận rõ. Những dự án dù đã khảo sát hoặc đầu tư nhưng không phù hợp, hoạt động không hiệu quả vẫn hoàn toàn có thể ra quyết định dừng triển khai. Tuy nhiên, nếu địa phương băn khoăn về mật độ thủy điện thì theo quy hoạch chuyên ngành, mật độ thủy điện càng cao thì càng giữ được sự ổn định.

Việc đầu tư thủy điện trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hiện vẫn trong giai đoạn khảo sát, bàn thảo và chưa có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong những số báo tiếp theo.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top