Kinh tếĐầu tư

Xây chợ để… bỏ hoang

08:16 - Thứ Tư, 09/05/2018 Lượt xem: 12573 In bài viết
ĐBP - Mục tiêu của việc xây dựng chợ ở nông thôn là để góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản và nhằm thay đổi bộ mặt cho các vùng quê. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít chợ trên địa bàn tỉnh xây xong rồi bỏ hoang. Nguyên nhân, do những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, đặc biệt là không phát huy quyền dân chủ của người dân, nên hàng loạt chợ nông thôn xây xong đã bỏ hoang, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

 

Chợ Mường Phăng bỏ hoang trở thành nơi chứa rác.

Với mục đích đẩy nhanh phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn xã, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân, năm 2003, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135), xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên), đầu tư xây dựng Chợ Trung tâm xã. Chợ có quy mô cấp III (nghĩa là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh, phục vụ nhu cầu mua bán hàng hoá của nhân dân trong xã và địa bàn phụ cận), với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng. Chợ có diện tích hơn 1,2ha, gồm: 4 ki ốt có mái che, nhà vệ sinh cùng với khoảng sân rộng để người dân dễ dàng vận chuyển hàng hóa, để xe vào chợ mua hàng. Thế nhưng, đến nay đã 15 năm trôi qua, khu chợ này vẫn vắng như “chùa Bà Ðanh”, không có người bán cũng chẳng có người mua, cỏ dại mọc um tùm, rác thải đầy sân. Do bị bỏ hoang lâu ngày nên nhiều hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ðiều đáng nói là chợ được đầu tư bài bản, song nghịch lý là ngay sau ngày khai trương, hầu hết tiểu thương bỏ ra ngoài chợ để buôn bán. Giải thích vấn đề này, bà Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Người dân từ trước đến nay vẫn có thói quen “bạ đâu bán đấy” và “tiện đâu mua đấy”. Thậm chí có người còn cho rằng, chợ “di động” thích hơn và dễ bán hơn. Có người lại cho rằng, họ chỉ bán vài ba mớ rau, vào chợ mất phí nên không vào. Chúng tôi đã nhiều lần vận động tiểu thương, người dân vào chợ buôn bán nhưng họ không vào nên xã cũng đành “bó tay”.

Trong khi nhiều chợ nông thôn bị bỏ hoang, nhưng trên địa bàn tỉnh nhiều chợ mới vẫn tiếp tục được đầu tư, điều đáng nói có chợ chỉ cách nhau trên dưới 1km và nhiều xã, phường có đến 3 - 4 chợ. Nguyên nhân là do trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, không lấy ý kiến người dân dẫn đến nhiều chợ nằm gần nhau nên không có người họp, hoặc chỉ họp từ 1 - 2 tiếng mỗi ngày, gây lãng phí. Ðiển hình như chợ Chi Luông, phường Na Lay (TX. Mường Lay). Chợ Chi Luông được đầu tư xây dựng khá khang trang, hiện đại (quy mô chợ loại III) trên khuôn viên rộng hơn 1.000m2, thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động đến nay, chợ vẫn không có người bán, người mua. Mặc dù, UBND phường Na Lay đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân, nhưng không ai để ý tới. Qua khảo sát thực tế, trên địa bàn phường Na Lay hiện có 3 chợ kiên cố (gồm cả chợ Chi Luông) và 1 trung tâm thương mại đang hoạt động, trong khi cả phường chỉ có gần 1.500 nhân khẩu. Như vậy chỉ cần làm phép tính đơn giản, lấy 1.500 nhân khẩu chia 4 chợ sẽ được 375 nhân khẩu/chợ. Con số này quá ít. Hơn nữa, khoảng cách giữa chợ Chi Luông với các chợ Nậm Cản, Cơ Khí (phường Na Lay) không quá xa (trên dưới 500m) nên tình trạng người dân chọn chợ Nậm Cản, Cơ Khí để kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa là điều đương nhiên, bởi 2 chợ này có từ trước và được xem là chợ đầu mối của Mường Lay. Ðiều này cho thấy, việc đầu tư xây dựng chợ chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, nhu cầu của người dân, cũng như sự tính toán hợp lý khoảng cách giữa các chợ với nhau.

Không chỉ có chợ Mường Phăng, Chi Luông bỏ hoang, mà trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều chợ cũng trong tình cảnh tương tự, như chợ:  Mường Toong (huyện Mường Nhé); Ðồi Cao (TX. Mường Lay); Mường Tùng (huyện Mường Chà)… Thiết nghĩ, cấp ủy và chính quyền các địa phương, cùng các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ tìm giải pháp thích hợp, nghiên cứu kỹ việc xây dựng chợ như thế nào cho phù hợp, phát huy được hết công năng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tiểu thương vào buôn bán tại những chợ mới xây, dẹp chợ tạm, chợ cóc. Ðặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác quy hoạch, xây dựng và đưa chợ vào hoạt động.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top