Kinh tếĐầu tư

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn

09:00 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 8265 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Song đến nay, mới có ít doanh nghiệp tham gia, số dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả kinh tế cao chiếm tỷ lệ thấp. 

 

Công nhân Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo vệ sinh bể cá tại trang trại nuôi cá nước lạnh Tênh Phông.

Ít doanh nghiệp tham gia

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ với 245/1.180 doanh nghiệp (có đăng ký). Trên thực tế số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 là 50 doanh nghiệp, chiếm 4,23% tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và Mường Nhé.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế khuyến khích, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn. Sở Kế hoạch và Ðầu tư cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, ưu tiên bố trí, cân đối vốn đầu tư cho ngành Nông nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu; xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; xây dựng cánh đồng lớn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung; sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy sản; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học...

Từ năm 2015 đến nay, tổng số doanh nghiệp lập dự án đề xuất đầu tư cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 20 doanh nghiệp với 20 dự án. Trong đó: 3 dự án không đủ điều kiện xem xét thẩm định, đã trả lại nhà đầu tư; 16 dự án được UBND tỉnh phê duyệt và 1 dự án đang chờ phê duyệt. Ðến nay, đã có 7/16 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dự án Trang trại nuôi cá nước lạnh thương phẩm và trồng cây dược liệu, rau sạch xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) của Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo là một trong những dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã đi vào hoạt động và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ kinh phí bảo vệ và phát triển rừng cho cộng đồng khu vực dự án. Dự án sử dụng khoảng 7.000m2 đất; trong đó diện tích mặt nước để nuôi cá nước lạnh khoảng 2.000m2, thể tích 1.600m3 nuôi thâm canh trong bể ciment, thả nuôi 6.500 con cá hồi và 5.000 con cá tầm giống, sản lượng 20 tấn/năm; Dự án có tổng mức đầu tư 10,6 tỷ đồng. Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh, Tuần Giáo cho biết: Trong quá trình đầu tư thực hiện dự án, đơn vị được các sở, ngành của tỉnh tạo điều kiện về cơ chế thông thoáng, hướng dẫn chi tiết hồ sơ, thủ tục, các bước đầu tư dự án… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử cán bộ xuống giúp doanh nghiệp về thử nguồn nước, khảo sát khí hậu, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho cá nước lạnh. Khi lứa cá đầu tiên cho thu hoạch, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy mẫu giúp doanh nghiệp kiểm tra, kiểm định chất lượng cá; hỗ trợ quảng bá sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông. Ðến nay, dự án đã đi vào hoạt động ổn định; doanh nghiệp đã có 2 cơ sở kinh doanh tại thị trấn Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ. Ngoài ra, sản phẩm cá nước lạnh Tênh Phông còn xuất bán đến các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình…

Khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Ngoài những đặc điểm đặc thù như: Thiếu vùng nguyên liệu, hạ tầng logistics, công nghệ… thì việc khó tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện dự án là một “điểm nghẽn” khiến các nhà đầu tư khó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn và cũng là một phần nguyên nhân chính khiến các dự án đã được phê duyệt vẫn đang “nằm trên giấy” hoặc chậm tiến độ.

Ðến nay, tỉnh ta chỉ áp dụng mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các dự án được ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh nhưng do nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên chưa thực hiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Nguồn vốn chính sách không được hỗ trợ, các nhà đầu tư xoay sang tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chỉ có thể vay vốn tín chấp, khó tiếp cận các gói vay ưu đãi theo quy định hiện hành. Hiện nay, toàn tỉnh có 5/16 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chậm tiến độ so với cam kết với tỉnh. Có những dự án đã quá thời hạn cam kết nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện.

Ngày 19/8/2016, UBND tỉnh ra Quyết định số 1067/QÐ-UBND về việc phê duyệt Dự án Nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm Ðiện Biên tại bản Púng Tôm, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) của Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên. Tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, công suất 360 tấn/năm, phấn đấu 600 - 800 tấn/năm vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn đang “nằm trên giấy”. Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Ðiện Biên cho biết: Dự án chậm tiến độ do doanh nghiệp không huy động được nguồn vốn đầu tư. Nguồn ưu đãi theo chính sách, quy định của Nhà nước không có, cùng với đó việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại khó khăn. Trong 2 năm 2016 - 2017, mặc dù doanh nghiệp đã rất cố gắng, cầu thị nhưng không ngân hàng thương mại nào ở tỉnh cho vay vốn để xây dựng nhà máy. Do đó, năm 2018, doanh nghiệp đành chấp nhận sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động cầm chừng. Hiện nay, sản phẩm lúa gạo Ðiện Biên đã và đang được nhiều người tiêu dùng sử dụng và có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong cả nước. Có thời điểm, khách hàng có yêu cầu công ty cung cấp 1 tấn sản phẩm/ngày nhưng công suất thực tế chỉ đạt 200kg/ngày.

Năm 2017, Chính phủ công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ðây được xem là “cú hích” để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân nguồn vốn tại Ðiện Biên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Gần như 100% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tỉnh chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Phạm Trung
Bình luận
Back To Top