Kinh tếĐầu tư

Tạo bước chuyển trong thu hút đầu tư

09:09 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 8692 In bài viết
ĐBP - Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư dưới nhiều hình thức để kịp thời tháo gỡ khó khăn; tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp này, môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao.

Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh trong những năm gần đây dần được cải thiện. Nếu như năm 2016 xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2017 đã xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2016); Ðiện Biên nằm trong nhóm tỉnh có điểm số đứng đầu trong khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2017 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 3.200 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực: nông - lâm nghiệp, thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại, hạ tầng khu đô thị… Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã và đang cho chủ trương triển khai thực hiện các dự án lớn, như: Dự án Xây dựng Trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần Vincom; các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và một số dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp khác...

 

Công nhân Nhà máy Thủy điện Nà Lơi trực vận hành máy phát.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp luôn được các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm và là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, như: giao thông đường bộ, đường hàng không; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh (nông - lâm nghiệp, thủy sản, trồng và chế biến nông, lâm sản, dược liệu; sản xuất vật liệu xây dựng; thương mại, du lịch, dịch vụ).

Ðẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng. Cụ thể là kêu gọi, thu hút đầu tư 6 dự án vào cụm công nghiệp với tổng số vốn 522 tỷ đồng; 16 dự án thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng số vốn 1.977 tỷ đồng; 3 dự án khai thác chế biến khoáng sản với tổng số vốn 120 tỷ đồng. Ðể thực hiện được các mục tiêu đặt ra, tỉnh kiến nghị Ðảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng sân bay Ðiện Biên Phủ theo quy hoạch điều chỉnh chi tiết Cảng Hàng không Ðiện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được duyệt. Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện để sân bay sớm được cải tạo, nâng cấp tạo động lực cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của tỉnh. Ðẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đường bộ, nhất là hệ thống đường giao thông kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực với tỉnh và hệ thống đường giao thông từ trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ ra các khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế xuất nhập khẩu và thương mại biên giới. Tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông - lâm sản. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ðối với lĩnh vực thủy điện, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để triển khai thực hiện thu hút đầu tư 19 dự án với tổng số vốn 4.875 tỷ đồng. Ðẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thủy điện đã khởi công xây dựng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng các thủy điện đã cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư; rà soát tiến độ triển khai thực hiện các dự án thủy điện đã được cấp phép đầu tư. Tiếp tục thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn được tỉnh quan tâm, thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 dự án thủy điện (Nậm Pay, Sông Mã 3, Huổi Vang và Na Son) đang thi công xây dựng với tổng công suất 51,2MW. Các dự án này đều đang trong giai đoạn thi công xây dựng. Dự kiến hoàn thành và phát điện trong giai đoạn 2018 - 2019. UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với 11 dự án thủy điện; 11 dự án thủy điện đang thực hiện nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư với tổng công suất dự kiến 62,1MW; 6 dự án thủy điện ngoài quy hoạch (Mường Luân 1, Mường Luân 2, Nậm Khẩu Hu 2, Chiềng Sơ 1, Chiềng Sơ 2 và Nậm Núa 2) đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư bổ sung quy hoạch. Các dự án thủy điện trên địa bàn chủ yếu là thủy điện nhỏ, diện tích chiếm dụng của các công trình không lớn, số hộ dân bị ảnh hưởng ít. Việc đầu tư các dự án thủy điện đã và đang tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top