Kinh tếĐầu tư

Tầm nhìn mới cho đầu tư FDI

09:21 - Thứ Ba, 09/10/2018 Lượt xem: 8027 In bài viết
Tháng 12-1987, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ năm 1988. Đây là bước ngoặt quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 17-7-1984 của Bộ Chính trị về xây dựng bộ luật đầu tư hoàn chỉnh để khuyến khích hợp tác với các nước không phải xã hội chủ nghĩa.

Trong bối cảnh ra đời như vậy, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành nguồn lực quan trọng ngay từ thời kỳ đầu đổi mới, mở cửa, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành nước có thu nhập trung bình và là một trong những điểm sáng tăng trưởng trên toàn cầu.

Đến nay, FDI vẫn là nguồn lực quan trọng của đất nước nhưng bối cảnh đã khác, đòi hỏi chúng ta phải có một định hướng mới, chiến lược mới cho FDI. Nhìn lại chặng đường 30 năm thu hút FDI, không thể phủ nhận đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP ngày càng tăng cao của Việt Nam. Năm 1995, khu vực FDI chiếm 6,3% GDP; đến năm 2017 đã chiếm gần 20% GDP nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là những dự án trình độ công nghệ thấp, gây ô nhiễm; mức độ lan tỏa không như kỳ vọng; tỷ trọng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ các nước khu vực có công nghệ nguồn như Mỹ, EU vào Việt Nam còn thấp..., mà đỉnh điểm là sự cố ô nhiễm môi trường Formosa xảy ra tháng 4-2016 đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về được - mất khi trải thảm thu hút FDI. Bên cạnh tư tưởng chủ đạo thống nhất khẳng định vai trò to lớn của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng đã có những ý kiến quan ngại cho rằng, khu vực kinh tế trong nước hiện đã lớn mạnh, có thể thay thế khu vực FDI ở nhiều ngành, lĩnh vực, do đó cần cân nhắc về vị trí, vai trò của FDI trong thời gian tới. Một số ý kiến lại cho rằng nên hạ tỷ lệ vốn FDI trong tổng đầu tư toàn xã hội xuống mức dưới 20%; quy định ngành, lĩnh vực không thu hút FDI để phát triển sản xuất trong nước, khống chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài theo quốc gia và vùng lãnh thổ tại một khu vực, địa điểm để bảo đảm an ninh quốc gia.

Có thể nói, 30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của khu vực FDI đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời nhận diện được những hạn chế, yếu kém, từ đó đưa ra định hướng, chiến lược cho FDI trong kỷ nguyên mới. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại một cách khách quan, công bằng và hiểu đúng về FDI. Để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, trước hết, cần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực thị trường hiện đại, hội nhập; tôn trọng đầy đủ các quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, quyền tài sản của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh nâng cao năng lực của doanh nghiệp (DN) trong nước và thúc đẩy liên doanh, liên kết với DN FDI. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước theo hướng đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân cấp; cơ chế theo dõi, thanh tra, kiểm tra trên nguyên tắc giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình đầu tư kinh doanh, đồng thời bảo đảm giám sát có hiệu quả việc tuân thủ các cam kết, điều kiện đầu tư kinh doanh của DN, dự án đầu tư, nhất là các DN, dự án hoạt động tại những địa phương có nhiều dự án đầu tư nước ngoài, các địa bàn, khu vực nhạy cảm…

Tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút FDI, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây sẽ là văn kiện quan trọng để tạo cơ sở thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của FDI trong nền kinh tế; tổ chức triển khai việc thu hút và sử dụng FDI trong thời gian tới thích ứng với tình hình biến động chính trị, kinh tế thế giới, cạnh tranh thu hút FDI trong khu vực và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút FDI.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top