Kinh tếĐầu tư

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Phải khẩn trương khắc phục

10:09 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 6567 In bài viết

Đầu tư công sử dụng chủ yếu nguồn vốn ngân sách nhằm phục vụ mục tiêu phát triển. Vì vậy, yêu cầu cao nhất được đặt ra là phải sớm chuyển hóa nguồn vốn này thành những hạng mục công trình và đưa vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải ngân đến nay còn hạn chế, đòi hỏi nhận diện rõ nguyên nhân và khẩn trương tìm cách khắc phục.

 

Cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (Hà Nội) - một trong những dự án đầu tư công được giải ngân kịp thời, góp phần bảo đảm tiến độ, phát huy hiệu quả chống ùn tắc giao thông.

Kết quả giải ngân thấp

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, kết quả thanh toán vốn đầu tư công trong 11 tháng năm 2018 đạt hơn 239 nghìn tỷ đồng, bằng 60% so với kế hoạch Quốc hội giao. Đây là kết quả thấp so với yêu cầu chung... Bà Lương Thị Hồng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết, nguyên nhân trước hết là do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thi công. 

Cùng với đó, quy định thời gian giải ngân vốn hằng năm được kéo dài sang tháng đầu của năm sau, nên gây ra tâm lý các đơn vị, cá nhân liên quan để dành việc, đến cuối năm mới tập trung tăng tốc giải ngân. Trong khi khâu nghiệm thu khối lượng công việc, lập hồ sơ thanh toán gửi kho bạc của chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng còn nhiều thủ tục hành chính và phụ thuộc vào ý kiến chấp thuận của nhiều cấp quản lý chuyên ngành.

Còn theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), năng lực của một số nhà thầu chưa bảo đảm, tiến độ thi công chậm, từ đó làm giảm tốc độ giải ngân. Trên thực tế, khi triển khai dự án cũng thường nảy sinh việc điều chỉnh hạng mục, tổng mức đầu tư, hoặc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Những vấn đề đó lại cần thêm thời gian để đánh giá, thẩm định của nhiều cơ quan chức năng khác nhau, với nhiều quy định, thủ tục khác nhau.

Nhấn mạnh đến hệ quả của việc giải ngân vốn đầu tư chậm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tình trạng “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra” đã làm mất cơ hội của những địa phương, đơn vị có năng lực tiếp thu vốn, hiệu quả sử dụng vốn, cũng như ảnh hưởng đến kỷ cương, quy định của Nhà nước. Do đó, nếu dự án nào không tiêu được vốn cần kiên quyết điều chuyển vốn sang dự án khác có khả năng hấp thụ, giải ngân, để tiết kiệm thời gian và khai thác tối đa đồng vốn đó.

Cần giải pháp đồng bộ 

Trước thực trạng nói trên, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo tăng tốc độ giải ngân, thông qua đôn đốc rà soát khối lượng công việc đã hoàn thành để nghiệm thu. Về vấn đề thanh toán vốn đầu tư, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư gửi báo cáo tiến độ thi công để làm cơ sở thanh toán dứt điểm cho nhà thầu theo quy định.

Mặt khác, việc điều chuyển vốn cũng được tính đến. Cụ thể, do Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không thực hiện hết kế hoạch vốn được giao, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2018 giữa các bộ, địa phương. Theo đó, đã giảm 1.267 tỷ đồng vốn từ hai bộ nói trên để bổ sung cho các dự án của bộ và địa phương khác.

Là một trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước (72,7% vốn đầu tư công trong 11 tháng), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cho rằng, vấn đề mấu chốt là làm tốt ngay từ đầu công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, đôn đốc các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, vào cuộc. "UBND tỉnh cũng yêu cầu rà soát, xác định rõ nguyên nhân có thể gây chậm giải ngân vốn đầu tư công, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, từ đó chủ động có phương án xử lý cụ thể", ông Bùi Minh Châu thông tin.

Đề cập đến vai trò của người đứng đầu, ông Ngô Trí Long cho rằng, nên phân tích, tách bạch nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu chậm giải ngân do chủ quan thì phải chỉ rõ trách nhiệm của cấp lãnh đạo, nhất là người đứng đầu một cách kịp thời. 

Ông Long nhận định, việc chậm giải ngân phần lớn là do năng lực của bộ máy từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư đến nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, vì vậy đây là yếu tố cần được cải thiện trong năm 2019. 

Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, soi chiếu với những quy định về quản lý đầu tư để từng bước khắc phục tồn tại, nâng cao trách nhiệm và năng lực của những tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này, tạo sự chuyển biến đồng bộ...

Để cải thiện kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, mới đây Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) đã đề xuất quy định vốn tạm ứng trong năm phải phù hợp với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao cho dự án. Đồng thời, không nên quy định mức tạm ứng tối thiểu đối với các hợp đồng, nhằm hạn chế tình trạng kế hoạch cấp vốn không tương thích với tiến độ thực hiện dự án.

Liên quan đến vấn đề này, Quốc hội cũng vừa thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, theo hướng tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một đầu mối, kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. 

Theo ông Trần Quang Chiểu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội), Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc lập kế hoạch, phân bổ đầu tư, trong khi chi thường xuyên lại do Bộ Tài chính đảm nhận, dễ dẫn đến thiếu gắn kết giữa khả năng cân đối thu ngân sách với khả năng thu xếp vốn và trả nợ; phân tán nguồn lực, phức tạp trong quản lý, giảm hiệu quả đồng vốn, trong khi chi phí quản lý lại tăng. Vì vậy, một đầu mối sẽ bảo đảm dự án đầu tư công triển khai theo một quy trình đầy đủ, từ quy hoạch, thực hiện, đến giải ngân, quyết toán, bảo hành công trình và đánh giá toàn diện hiệu quả dự án.
 

Một số bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao là: Thanh Hóa đạt 100%; Ngân hàng Chính sách xã hội: 99%; Bộ Nội vụ: 88,16%; Nam Định: 89%. Một số cơ quan, đơn vị giải ngân thấp, gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân đạt 3,47%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: 15,04%; TP Hồ Chí Minh: 37,17%; Đắk Lắk: 39,52%; Bộ Giáo dục và Đào tạo: 45,87%.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top