Kinh tếĐầu tư

Nông nghiệp vẫn khó thu hút đầu tư

09:05 - Thứ Năm, 28/02/2019 Lượt xem: 8324 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn và chất lượng còn hạn chế.

 

Ðể phát triển nông nghiệp, cần nhiều vốn đầu tư của các doanh nghiệp. Trong ảnh: Ðoàn giám sát HÐND tỉnh thăm mô hình trồng cây ăn quả tại bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng).

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 245/1.180 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với tổng nguồn vốn đăng ký là hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này chỉ khoảng 50 doanh nghiệp (chiếm 4,23%); chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến chè, cà phê; sản xuất rau; chế biến lúa gạo; chăn nuôi…

Giai đoạn từ 2008 - 2017, tổng số dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư là 135 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22.334 tỷ đồng. Trong đó, tổng số dự án đề xuất đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chỉ có 21 dự án với tổng vốn đăng ký là 4.277 tỷ đồng. Số lượng các dự án đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỷ lệ ít nhưng lại có nhiều dự án chưa hoàn thiện. Cụ thể, trong số 21 dự án đầu tư vào nông nghiệp có 6 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, còn 15 dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 4.160 tỷ đồng. Ðến năm 2018, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án và 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 4.900 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 5 dự án. Tuy nhiên các dự án chỉ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, cơ sở hạ tầng và khai thác chế biến khoáng sản mà không có dự án nào đầu tư vào ngành nông nghiệp. Tương tự, trong năm 2019, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu có từ 12 - 15 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn ước đạt 1.500 tỷ đồng. Hiện nay, đang có chủ trương đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho 9 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Thế nhưng, trong đó cũng không có bất kỳ dự án nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hầu hết đầu tư vào các lĩnh vực giao thông, xây dựng, thương mại, hạ tầng đô thị…

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư cho biết: Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, những tiềm năng và thuận lợi đó chưa đủ mạnh để thúc đẩy nông nghiệp tỉnh ta “cất cánh”, bởi song hành với đó là những khó khăn, thách thức “cố hữu” chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Ví dụ hạ tầng giao thông mặc dù đã được đầu tư phát triển mạnh trong những năm qua nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như nhu cầu của nhà đầu tư. Hạ tầng yếu kém vẫn là nguyên nhân chính đẩy chi phí kinh doanh lên cao, làm giảm năng lực cạnh tranh và không khuyến khích doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Sản xuất nông, lâm nghiệp toàn vùng vẫn chủ yếu dựa vào phương thức canh tác truyền thống, mặt khác chưa tạo được động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm hình thành nên chuỗi giá trị hàng nông sản (hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh mới xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn). Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại chỗ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn vướng mắc cho doanh nghiệp…

Có thể khẳng định, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở tỉnh ta, đặc biệt là các huyện vùng cao chưa bao giờ là chuyện đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Trong khi đó, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp, các doanh nghiệp phải là những “đầu tàu”. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, thiết nghĩ cần tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ðiều này không chỉ giới hạn trong cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và các dịch vụ công liên quan mà quan trọng hơn là cần có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư. Ðặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị định số 57/2018/NÐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210/2013/NÐ-CP). Bởi so với quy định trước đây, Nghị định 57/2018/NÐ-CP có nhiều ưu điểm, như: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án và không phải chuyển sang thuê đất đối với diện tích đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất...

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top