Kinh tếĐầu tư

Ðầu tư, quản lý một số công trình thủy lợi

Lãng phí đầu tư, lúng túng quản lý

08:37 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 7855 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay một số công trình thủy lợi xây dựng dở dang, kéo dài; có công trình xây xong không thể dẫn nước về đồng ruộng hoặc không có bãi tưới; có công trình bị hư hỏng do mưa lũ chưa có kinh phí sửa chữa, gây lãng phí và ảnh hưởng đời sống người dân trong vùng dự án. Có công trình có nước và diện tích tưới thì chính quyền địa phương vẫn chưa xây dựng được mô hình quản lý, vận hành phù hợp để khai thác tối đa hiệu quả.

Bài 1: Những công trình kém hiệu quả

 

Công trình thủy lợi Phua Di Tổng (xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà) có 2ha bãi tưới vướng vào đất rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 866 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, gồm: 13 hồ chứa, 2 trạm bơm điện, 2 trạm bơm thủy luân, 849 công trình lấy nước bằng đập dâng và 1.478km kênh mương. Tổng năng lực tưới theo thiết kế là 37.242ha (vụ chiêm xuân 16.787ha, vụ mùa 20.455ha); thực tế tưới 25.094ha (vụ chiêm xuân 10.083ha, vụ mùa 15.011ha), đạt 67,4% năng lực thiết kế. Theo Quyết định số 15/2010/QÐ-UBND ngày 4/8/2010 của UBND tỉnh, việc quản lý, khai thác, vận hành và bảo vệ các công trình thủy lợi được chia thành 2 cấp. Cấp tỉnh có 37 công trình và các huyện, thị xã, thành phố có 829 công trình. Qua kiểm tra, rà soát hàng năm, các công trình thủy lợi cấp tỉnh cơ bản phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Các công trình cấp huyện quản lý có nhiều công trình bị hư hỏng chưa sửa chữa kịp thời, một số công trình thiếu bãi tưới nên chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Chưa sửa chữa kịp thời

Mường Nhé là huyện được đầu tư khá nhiều công trình thủy lợi, nhất là các bản tái định cư theo Ðề án 79 và tái định cư thủy điện Sơn La. Công trình thủy lợi Nậm San 1 là một trong bốn hạng mục của thủy lợi Nậm San, xã Mường Nhé có tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Toàn bộ công trình cung cấp nước tưới cho 47,8ha lúa 2 vụ điểm tái định cư Nậm San. Trong đó, hạng mục công trình thủy lợi Nậm San 1 có tuyến kênh dài nhất với 3,7km, diện tích tưới chiếm 2/3 tổng diện tích 4 hạng mục của thủy lợi Nậm San. Năm 2012 - sau 1 năm công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng, mưa lũ đã làm sạt lở, vùi lấp, đứt gãy nhiều đoạn kênh mương khiến nước từ đầu mối không thể chảy về bãi tưới. Từ đó đến nay, công trình vẫn nguyên hiện trạng hư hỏng, chưa được bố trí kinh phí sửa chữa. Do đó người dân 2 bản: Nậm San 1 và Nậm San 2 không thể khai hoang ruộng để sản xuất.

Ông Sùng A Sò, Trưởng bản Nậm San 1, xã Mường Nhé cho biết: Công trình này đã hỏng 5 - 6 năm nay, dân bản Nậm San 1 và Nậm San 2 đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, huyện nhưng đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Hiện nay, trên 140 hộ dân ở 2 bản trông chờ vào nguồn nước từ thủy lợi này để khai hoang ruộng, sản xuất lúa. Nếu thủy lợi có nước, dự ước tổng diện tích có thể khai hoang được khoảng 10 - 12ha ruộng 2 vụ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, toàn huyện hiện có 6 công trình thủy lợi bị hư hỏng, mất khả năng tưới. Ðiển hình như công trình thủy lợi Cây Muỗm (xã Chung Chải) có tổng mức đầu tư 17,1 tỷ đồng, công suất thiết kế tưới cho 30ha lúa 2 vụ bị hư hỏng do mưa lũ, đã “đắp chiếu” 5 năm nay không được sửa chữa; công trình thủy lợi Pờ Nhù Khò có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, đầu tư xây dựng hơn 6 năm và có 2 lần gia hạn nhưng vẫn chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng.

Ngoài huyện Mường Nhé, trên địa bàn huyện Tuần Giáo có công trình thủy lợi Nậm Mu (xã Rạng Ðông) có tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng; huyện Mường Ảng có công trình thủy lợi Xuân Lao (xã Xuân Lao) với tổng mức đầu tư 64,6 tỷ đồng, hồ chứa nước Ẳng Cang với tổng mức đầu tư 355 tỷ đồng… là những công trình thủy lợi có thời gian đầu tư kéo dài, kém hiệu quả.

Thủy lợi thiếu bãi tưới

Hiệu quả sau đầu tư của một công trình thủy lợi được phản ánh qua diện tích bãi tưới mà công trình đó cung cấp nước tưới. Tuy nhiên, hiện nay, một số công trình thủy lợi đầu tư xong không có bãi tưới, nhiều công trình thiết kế tưới cho 30 - 50ha lúa 2 vụ nhưng thực tưới chưa được 1/3 diện tích. Nhiều diện tích bãi tưới được quy hoạch trong hồ sơ dự án lại không thể khai hoang vì độ dốc lớn hoặc vướng vào đất rừng.

Công trình thủy lợi Phua Di Tổng thuộc Dự án Tái định cư Há Là Chủ A, xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) xây dựng năm 2015 với tổng kinh phí 6,3 tỷ đồng được thiết kế cung cấp nước tưới thường xuyên cho 7,25ha ruộng 2 vụ và 21,75ha ruộng 1 vụ (gồm 1,75ha ruộng đã khai hoang và 20ha bãi tưới chưa khai hoang). Hoàn thành năm 2017 nhưng đến nay công trình vẫn chỉ tưới cho vỏn vẹn 1,75ha ruộng sẵn có, diện tích còn lại người dân vẫn chưa khai hoang. Ông Mùa A Thào, Chủ tịch UBND xã Hừa Ngài cho biết: Ruộng chưa khai hoang là do UBND xã chưa triển khai chia đất sản xuất cho người dân. Lý do chậm chia đất là do diện tích bãi tưới của công trình thủy lợi Phua Di Tổng có khoảng 2ha thuộc đất rừng phòng hộ. Nếu xã cho người dân khai hoang vào đất rừng sẽ vi phạm pháp luật nên xã chờ chỉ đạo của UBND huyện. Mới đây, UBND huyện chỉ đạo UBND xã tiến hành chia đất sản xuất cho người dân. Riêng 2ha bãi tưới vướng vào đất rừng thì chờ quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cấp trên.

Ông Vàng Chùng Dính, Trưởng bản Phua Di Tổng cho biết: Công trình thủy lợi hoàn thành 3 năm rồi nhưng đến nay xã mới có phương án chia đất sản xuất cho bà con. Tiến độ này thì sớm nhất là năm 2020 mới bắt đầu khai hoang được. Qua đo đạc, diện tích có thể khai hoang được khoảng 8 - 10ha. Trong khi số hộ được chia của 3 bản là 270 hộ, tính ra mỗi hộ được khoảng 300 - 400m2, diện tích quá nhỏ để sản xuất so với nhu cầu của người dân. Trong khi đó, theo thiết kế, thủy lợi Phua Di Tổng ngoài phục vụ tưới cho 1,75ha ruộng đã khai hoang trước đó và 20ha chưa khai hoang. Ðến nay trên thực tế đo đạc lại chỉ có thể khai hoang chưa được 50% dự kiến ban đầu!

Ðối với 2ha bãi tưới vướng vào đất rừng phòng hộ, theo cơ quan chuyên môn của huyện Mường Chà thì rất khó để người dân có thể khai hoang diện tích này. Ông Lò Văn Hịch, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Chà cho biết: Người dân bản Phua Di Tổng muốn khai hoang 2ha bãi tưới quy hoạch vào đất rừng thì bắt buộc phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về thủ tục, đầu tiên UBND xã phải làm đề nghị chuyển đổi trình các cấp có thẩm quyền của huyện. Sau đó, huyện phải trình lên cấp tỉnh, sau đó tiếp tục làm theo hướng dẫn của cấp… cao hơn nữa. Quy trình này rất phức tạp và kéo dài.

Ngoài thủy lợi Phua Di Tổng, trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình thủy lợi khác như: Thủy lợi Phiêng Luông, khu tái định cư Nậm Cản (TX. Mường Lay) đầu tư 30 tỷ đồng hiện chỉ tưới cho hơn 3ha lúa; thủy lợi bản Ðớ (phường Na Lay, TX. Mường Lay) công suất tưới 21ha nhưng chỉ tưới được 2,1ha…

Bài 2: Thiếu mô hình quản lý, vận hành phù hợp

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top