Kinh tếĐầu tư

Lãng phí những dự án giao thông dang dở

09:01 - Thứ Hai, 27/05/2019 Lượt xem: 8141 In bài viết

ĐBP - Dự án Ðường vào xã Noong U và Dự án Ðường Pá Vạt (xã Mường Luân) - Háng Lìa (xã Háng Lìa) là 2 trong số nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông. Các dự án này được phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2007 và 2009, đều do Công ty TNHH Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh là nhà thầu thi công. Ðến nay, dù đã qua hơn một thập kỷ nhưng cả hai dự án đều chưa hoàn thành.

 

Dự án đường Pá Vạt - Háng Lìa sau 10 năm triển khai, đến nay vẫn là con đường cũ trước khi đầu tư.

Dự án Ðường vào xã Noong U được phê duyệt đầu tư tại Quyết định 681/QÐ-UBND ngày 26/6/2007 và quyết định 1134/QÐ-UBND ngày 18/8/2008 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư công trình. Dự án có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án huyện Ðiện Biên Ðông làm đại diện chủ đầu tư. Ðây là công trình giao thông nông thôn cấp IV có tổng chiều dài gần 14km, điểm đầu từ Km0 thuộc xã Keo Lôm và điểm cuối là Km13+704 thuộc xã Noong U; nền đường rộng 4m, mặt đường 3m, kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo hệ thống giao thông liên hoàn trong khu vực; đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản cho người dân xã Noong U. Dự án khởi công tháng 6/2009. Tuy nhiên chỉ sau hơn 2 năm, đến tháng 11/2011 thì dự án phải dừng thi công.

Ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Nguyên nhân dừng thi công dự án do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân thuộc dự án có nhà, tài sản nằm trong phạm vi thi công yêu cầu phải có tiền đền bù ngay thì mới cho thi công, trong khi phương án đền bù thời điểm đó mới đang được triển khai thực hiện. Ðến năm 2012, phương án đền bù mới cơ bản được phê duyệt, vì vậy dự án chậm tiến độ. Ðến cuối năm 2012, khi UBND huyện Ðiện Biên Ðông bố trí được mặt bằng sạch và thông báo đến nhà thầu để tiếp tục thi công thì nhà thầu đề nghị phải bổ sung dự toán khối lượng sạt sụt do ảnh hưởng của mùa mưa lũ năm 2012 và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Cống thoát nước ngang đường, rãnh gia cố thoát nước dọc đối với các đoạn dốc trên 6% và đoạn có nền đất yếu; đồng thời yêu cầu điều chỉnh lại dự toán và tổng mức đầu tư công trình. UBND huyện đã làm tờ trình xin điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình nhưng không được chấp thuận. Sau đó, đại diện chủ đầu tư đã nhiều lần thông báo đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng nhà thầu không thực hiện khối lượng còn lại, dù vật tư đã tập kết đầy đủ.

Chính vì vậy, 12 năm đã trôi qua nhưng Dự án Ðường vào xã Noong U vẫn dang dở. Hiện nay, tuyến đường còn 3,3km chưa được thi công rải mặt đường. Nhiều đoạn đã thi công cũng hư hỏng, những đoạn chưa thi công thì càng xuống cấp. Theo ông Nguyễn Quốc Tiến, giải pháp tạm thời là cho dừng kỹ thuật, khép lại dự án. Hiện, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục quyết toán dự án. Sau khi quyết toán, nếu có chương trình, dự án khác thì sẽ tiếp tục đầu tư phần còn lại.

Cũng tình trạng thi công dang dở là Dự án Ðường Pá Vạt - Háng Lìa. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2259/QÐ-UBND, ngày 16/12/2009, với tổng chiều dài tuyến là 10,9km; loại công trình giao thông cấp IV, tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi và các nguồn vốn khác theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh. Ðơn vị chủ đầu tư là UBND huyện Ðiện Biên Ðông, đại diện chủ đầu tư là Phòng Công Thương (nay là Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện).

Ðây là tuyến đường ra trung tâm huyện và kết nối với các xã khác của hơn 500 hộ dân 2 xã: Háng Lìa và Tìa Dình. Tuy nhiên, suốt 10 năm nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, huyện Ðiện Biên Ðông đã tự ý nắn tuyến, thay đổi thiết kế tuyến đường khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo thiết kế ban đầu, tuyến đường đi qua nhiều diện tích đất của người dân nên chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn. Vì vậy chủ đầu tư đã điều chỉnh hướng tuyến 4km đầu theo đường dân sinh cũ mà không theo thiết kế. Tại Văn bản 3060/UBND-KTN ngày 18/10/2017 của UBND tỉnh về việc xử lý vướng mắc Dự án Ðường Pá Vạt - Háng Lìa nêu rõ: Việc điều chỉnh hướng tuyến 4km đầu để hạn chế tối đa việc thu hồi đất lúa, đất rừng đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương tại Thông báo kết luận số 40/TB-UBND ngày 13/6/2014. Nhưng chủ đầu tư chưa chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án mà đã triển khai thi công là trái quy định về trình tự, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng. Như vậy, chủ đầu tư đã nắn tuyến khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh tuyến. Không chỉ vậy, năm 2012 công trình đã được chủ đầu tư nghiệm thu với giá trị 8,8 tỷ đồng và giải ngân thanh toán cho đơn vị thi công 8 tỷ đồng khi chưa có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án.

Ðể giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình đầu tư dự án, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương phê duyệt điều chỉnh dự án đến điểm dừng kỹ thuật trong hạn mức vốn đã bố trí cho dự án. Giao UBND huyện Ðiện Biên Ðông kiểm tra, rà soát, xác định chính xác nội dung công việc đã thực hiện, khối lượng các phần việc đã nghiệm thu thanh toán, không làm phát sinh khối lượng hay nguồn vốn, trình thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án trước tháng 10/2017. UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã yêu cầu đơn vị đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, quản lý dự án hoàn công khối lượng theo hiện trạng thực tế đã thực hiện. Nhưng trong quá trình kiểm tra, đối chiếu với hiện trạng đã thi công thì khối lượng chưa khớp, chênh lệch với giá trị đã nghiệm thu thanh toán thuộc gói thầu xây lắp từ năm 2012 (nghiệm thu với giá trị 8,8 tỷ đồng và giải ngân thanh toán cho đơn vị thi công giá trị là 8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chủ đầu tư không nhận được sự phối hợp của các đơn vị tham gia thực hiện dự án, như: Ðơn vị thi công (Công ty TNHH Ðầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh); đơn vị tư vấn giám sát (Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi - Thủy điện 11 Sơn La đã giải thể không còn hoạt động). Nhiều lần chủ đầu tư gửi giấy mời, thậm chí cử cán bộ trực tiếp mang hồ sơ xuống Hà Nội để yêu cầu đơn vị thi công phối hợp giải quyết, thanh lý hợp đồng, khép lại dự án nhưng đơn vị thi công không hợp tác.

Dự án chưa thể khép lại đã làm mất đi cơ hội đầu tư mới cho tuyến đường này khi cuối năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản về việc xin chủ trương tiếp tục đầu tư tuyến đường Pá Vạt - Háng Lìa bằng nguồn vốn JICA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án phát triển nông thôn. Tuy nhiên, phía JICA yêu cầu huyện phải thanh lý hợp đồng và khép lại dự án cũ thì mới tiếp tục đầu tư, tránh tình trạng dự án chồng dự án. Do đó, JICA đã chuyển đầu tư nơi khác. Và thiệt thòi nhất vẫn là người dân 2 xã: Háng Lìa và Tìa Dình, bởi đây là tuyến đường duy nhất vào trung tâm 2 xã này, thường bị cô lập vào mùa mưa.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top