Kinh tếĐầu tư

Tập trung nguồn lực nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên

15:42 - Thứ Tư, 04/03/2020 Lượt xem: 21887 In bài viết

Để chuẩn bị các bước triển khai dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên đã rất nỗ lực, tập trung nguồn lực hoàn thành các phần việc nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Phấn đấu đến năm 2022, Điện Biên sẽ có một Cảng hàng không Điện Biên hiện đại, mới hoàn toàn, đồng bộ cả khu bay, khu hàng không dân dụng cũng như các công trình liên quan quản lý, điều hành bay.

Lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiểm tra tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ thi công sân bay tại Điện Biên.

Trở về từ Hà Nội sau khi kết thúc buổi làm việc giữa tỉnh Điện Biên với các bộ, ngành và đơn vị liên quan thuộc lĩnh vực hàng không mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 2-8-2019 của Văn phòng Chính phủ, trong thời gian qua UBND tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thiện các nội dung liên quan dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên trên địa bàn. Sau cuộc làm việc ngày 10-2 vừa qua, đến thời điểm này, cơ bản đã rõ phương thức triển khai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Điện Biên Phủ mà ACV đề xuất. Theo đó, ACV sẽ đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì các hạng mục công trình quản lý, điều hành bay; UBND tỉnh Ðiện Biên có trách nhiệm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Bộ GTVT, Cảng hàng không Điện Biên sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế. Giai đoạn đến năm 2020, Cảng có công suất 300 nghìn hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm với ba vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, Cảng có công suất hai triệu hành khách/năm, 10 nghìn tấn hàng hóa/năm với sáu vị trí đỗ tàu bay, gồm ba vị trí cho tàu bay ATR72 và ba vị trí cho tàu bay A320. Được biết, trong tổng mức dự kiến đầu tư dự án khoảng 4.210 tỷ đồng thì chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) dự kiến hơn 1.532 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư rất lớn đối với tỉnh nghèo, nguồn thu thấp như Điện Biên. Song với mong muốn đầu tư giao thông trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa xã hội, thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến Điện Biên; phục vụ du khách quốc tế, nhân dân cả nước tới thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc,… cấp ủy, chính quyền, nhân dân Điện Biên đã đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, dành ưu tiên cao nhất để thực hiện dự án. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ cuối năm 2018 đến nay, các sở, ngành, địa phương như: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên,… đã thường xuyên tổ chức họp bàn, tìm phương án sắp xếp bố trí TĐC cho hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng; cân đối nguồn để dành kinh phí ưu tiên giải phóng mặt bằng, bồi thường TĐC. Theo tính toán của tỉnh Điện Biên, trong tổng vốn 1.532 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng thì chi phí bồi thường, hỗ trợ TĐC (nơi đi) khoảng 1.069 tỷ đồng; xây dựng mới các khu TĐC (nơi đến) hơn 463 tỷ đồng. Để có nguồn thực hiện, UBND tỉnh dự kiến dành thu từ chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất từ các dự án là 102,9 tỷ đồng; nguồn tăng thu ngân sách địa phương từ năm 2019 - 2021 dự kiến 150 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương hai năm 2020 - 2021 là 600 tỷ đồng và nguồn vốn đề xuất tạm ứng trước ngân sách Trung ương hoặc địa phương giai đoạn 2021 - 2025 hơn 208,6 tỷ đồng. Tổng các nguồn thu đủ khả năng thanh toán cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Cảng hàng không Ðiện Biên.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên tiến hành rà soát, xác định số hộ dân cần bố trí TĐC. Qua khảo sát, tỉnh Điện Biên phải thu hồi gần 170 ha với hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, phải bố trí TĐC cho 969 hộ; di dời 22 đơn vị, tổ chức. Căn cứ chủ trương đầu tư do HĐND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt đầu tư xây dựng ba điểm TĐC cho dự án với tổng khả năng dung nạp của các điểm TĐC là 1.057 lô đất, tổng mức đầu tư xây dựng gần 398 tỷ đồng. Tại Quyết định số 1264/QĐ-UBND ngày 9-12-2019, UBND tỉnh Điện Biên đã phân bổ 300 tỷ đồng trong năm 2020 để triển khai xây dựng các điểm TĐC dự án. Phấn đấu đến hết năm nay, sẽ hoàn thành hạ tầng các điểm TĐC để tiếp nhận bố trí TĐC cho các hộ bị ảnh hưởng. Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo 22 đơn vị, tổ chức khẩn trương di dời các công trình bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng triển khai.

Tuy còn rất nhiều khó khăn, khối lượng công việc khổng lồ trong khi thời gian để triển khai không nhiều, song với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đã cam kết các bộ, ngành và Chính phủ sẽ triển khai thực hiện ngay công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và TĐC toàn bộ diện tích liên quan phạm vi quy hoạch Cảng hàng không Điện Biên; bàn giao toàn bộ đất sạch cho ACV trong năm 2020 để triển khai dự án đúng tiến độ kế hoạch đặt ra.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top