Kinh tếĐầu tư

Quản lý hiệu quả các dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ

09:26 - Thứ Ba, 10/03/2020 Lượt xem: 20867 In bài viết

Cũng như nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, ngành chế biến, sản xuất gỗ đang thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Bên cạnh việc góp phần quan trọng thúc đẩy ngành gỗ phát triển, các doanh nghiệp FDI cũng đang tạo ra sức ép lớn cho các doanh nghiệp trong nước và chính sách quản lý của Nhà nước về lĩnh vực này.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Vũ Thịnh (Bắc Giang). Ảnh: Vũ Văn

Thu hút lớn các dự án FDI

Báo cáo “Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách” được nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA Bình Định) công bố mới đây, cho thấy ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các dự án FDI.

Đầu tư FDI có vai trò quan trọng trong tạo nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tạo kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ quản trị và công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước thông qua sự giao thoa về trình độ quản lý, công nghệ, thông tin và tiếp cận thị trường giữa hai khối này. Riêng trong năm 2019, đã có 99 dự án FDI mới đăng ký đầu tư vào ngành gỗ, tăng 48% so với số dự án của năm 2018. Tổng số vốn đăng ký cho các dự án mới đạt hơn 726 triệu USD, tăng gần 170% so với vốn đăng ký của các dự án mới năm 2018. Số lượng dự án FDI mới, và chủ yếu là các dự án thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc) có số dự án và tổng vốn đăng ký chiếm hơn 80% trong tổng số dự án FDI mới vào ngành gỗ năm 2019.

Các dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ và sản xuất các loại ván. Hiện nay, đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào ngành gỗ tăng mạnh cả ba khía cạnh là dự án mới, tăng vốn và mua bán sáp nhập.

Trong nước, ngày càng có nhiều địa phương nhận được các dự án FDI đầu tư trong ngành gỗ, tuy nhiên hầu hết các dự án này đều tập trung tại vùng Đông Nam Bộ. Năm 2019 có khoảng 74% số dự án tập trung vào khu vực này, chủ yếu tại hai tỉnh Bình Dương (48 dự án) và Bình Phước (14 dự án). Việc đầu tư vốn FDI đã làm tăng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp tới một số quốc gia,nhất là tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Năm 2019 có 663 doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu, tăng 25% so với con số doanh nghiệp FDI xuất khẩu trong năm 2018. Số doanh nghiệp này chiếm 14,9% trong tổng số doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, trực tiếp tham gia vào khâu này.

Nâng cao năng lực quản lý

Theo các hiệp hội gỗ, bên cạnh “gam màu sáng”, bức tranh về hiện trạng đầu tư và xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp khối FDI cũng đang “hé lộ” những tín hiệu về gian lận thương mại đối với một số doanh nghiệp trong khối này. Các dự án đầu tư FDI mới tăng rất nhanh, tập trung vào mảng chế biến gỗ và sản xuất các loại ván nhân tạo. Xuất khẩu từ khối doanh nghiệp FDI tăng mạnh, đặc biệt sang thị trường Mỹ, với các mặt hàng ván và ghế ngồi là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ mở rộng kim ngạch cao. Nhập khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu từ khối FDI, nhất là đối với các loại mặt hàng thuộc nhóm ván nhân tạo và ghế ngồi cũng đang tăng mạnh. Đây chính là bài toán đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát gian lận thương mại có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, ngành gỗ đã đề ra chiến lược mở rộng kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD đến năm 2025. Hiện, các doanh nghiệp FDI đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu, nhưng sự gắn kết của khối doanh nghiệp này với các cơ quan quản lý và đặc biệt là với các doanh nghiệp trong nước hiện còn rất hạn chế. Để thu hút và tận dụng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần thay đổi cơ chế chính sách nhằm tạo kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa và các bên liên quan khác trong chuỗi cung, giảm sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI kết hợp với các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn cung gỗ “đầu vào” cho doanh nghiệp.

Phân tích về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ FDI tại Việt Nam, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra những động lực thúc đẩy ngành gỗ phát triển, nhưng lĩnh vực này cũng đem lại nhiều thách thức như khó khăn trong kiểm soát chất lượng của các dự án, tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ một số quốc gia khác.

Để kiểm soát rủi ro, về cơ chế, chính sách quản lý, cần tập trung rà soát cả ba loại hình đầu tư, gồm đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Trong số đó, cần thiết ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, nhất là các dự án đầu tư mới có vốn đăng ký nhỏ hình thành trong năm 2019. Thêm nữa, cơ quan quản nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chui, hoặc dưới danh nghĩa núp bóng các doanh nghiệp trong nước để kiểm soát đầu tư các dự án FDI hiệu quả. Các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Đối với các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực lao động tay nghề cao, đầu tư công nghệ hiện đại để thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ trong nước cũng cần có sự liên kết chặt chẽ để cùng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu đang có nhiều thuận lợi và đan xen thách thức.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top