Kinh tếĐầu tư

Nhiều dự án giao thông dừng thi công vì vướng đất rừng

11:52 - Thứ Năm, 30/04/2020 Lượt xem: 23372 In bài viết

ĐBP - Dự án Ðường Keo Lôm - Sam Măn - Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư ngày 3/6/2011, do UBND huyện Ðiện Biên Ðông làm chủ đầu tư. Ðây là dự án công trình giao thông cấp IV, với tổng mức đầu tư 185 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và các nguồn vốn khác theo kế hoạch của UBND tỉnh. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I điểm đầu dự án giao với đường Pom Lót - Na Son tại Km28+500 đến bản Huổi Xa, xã Keo Lôm (đến nay đã hoàn thành); giai đoạn II từ bản Huổi Xa đến điểm cuối là Km26+980 tại trung tâm xã Phình Giàng, có chiều dài 12,24km. Mục tiêu của dự án xây dựng đường giao thông liên xã, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân; thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện giai đoạn II của dự án, năm 2016 UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 - 2020. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn nên UBND huyện Ðiện Biên Ðông chưa triển khai đấu thầu. Năm 2017, khi dự án đã được bố trí nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu thì lại chưa thể thi công vì một số đoạn tuyến dự án đi vào đất rừng, cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dự án Ðường Keo Lôm - Sam Măn - Phình Giàng (giai đoạn II, đoạn Huổi Xa - Phình Giàng) đang tạm dừng thi công vì vướng vào đất rừng.

Theo ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Ðiện Biên Ðông, Ban đã phối hợp với UBND 2 xã: Keo Lôm, Phình Giàng và các đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, xác định hiện trạng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng công trình. Theo đó, tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi là 3,46ha; loại rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên ngoài quy hoạch, trạng thái rừng nghèo kiệt tại khoảnh 3, tiểu khu 772 xã Keo Lôm và một số khoảnh của tiểu khu 774 và tiểu khu 783 trên địa bàn xã Phình Giàng. Hầu hết đoạn đường dự án đi qua rừng đã có nền đường cũ. Ðể giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Ðiện Biên Ðông về việc nộp tiền trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện Dự án Ðường Keo Lôm - Sam Măn - Phình Giàng (giai đoạn II). Việc nộp tiền trồng rừng thay thế sẽ thực hiện khi dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó, chủ đầu tư cam kết dừng thực hiện dự án đối với đoạn tuyến đường có diện tích rừng đến khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Vì vậy đến nay dự án mới hoàn thành được 40% khối lượng thi công, trong khi thời hạn phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020.

Tương tự, dự án đường đi bản Huổi Ðiết - Nậm Piền - Ðán Ðanh (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà) được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư số 360/QÐ-UBND ngày 26/4/2018. Dự án có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thời gian thi công từ 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang tạm dừng thi công vì vướng vào rừng. Theo ông Nguyễn Gia Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Chà, tuyến đường có chiều dài 3,2km, tuy nhiên do vướng vào 1,84ha rừng (rừng tự nhiên ngoài quy hoạch) trên địa bàn bản Huổi Ðiết, vì vậy đến nay tiến độ thi công mới chỉ mở được gần 1km nền đường. Ðể giải quyết vướng mắc liên quan đến rừng, Ban đã lập hồ sơ trình cơ quan chức năng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ năm 2019. Sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị rà soát lại các dự án vướng vào rừng. Sau khi rà soát, cuối tháng 3 vừa qua, đơn vị đã gửi hồ sơ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dự án đang tạm dừng thi công chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Hiện nay toàn tỉnh có 20 dự án đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích rừng tự nhiên đề nghị chuyển mục đích sử dụng 62,9ha (gồm 34,89ha rừng phòng hộ; 15,51ha rừng sản xuất và 12,5ha rừng ngoài quy hoạch). Trong số 20 dự án trên có 7 dự án thuộc danh mục các dự án kèm theo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ. Còn 13 dự án mặc dù chưa có trong danh mục các dự án kèm theo báo cáo thuyết minh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh. Tuy nhiên, diện tích đất cần chuyển đổi để thực hiện 13 dự án này thuộc loại đất phát triển hạ tầng đã được xác định trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, chỉ tiêu đất lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt chuyển mục đích sử dụng là 1.725ha (trong đó gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất). Ðến nay, tổng chỉ tiêu đất lâm nghiệp từ năm 2016 - 2020 đã và đang thực hiện chuyển mục đích để thực hiện các dự án là 365,5ha (chiếm 21,19%); chỉ tiêu đất lâm nghiệp còn lại được chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.359ha. Các dự án trên đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, đã được HÐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết 134/NQ-HÐND ngày 6/12/2019 và được UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án theo quy định. Ðây là các dự án có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh. Ðể các dự án đảm bảo thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định, sớm được triển khai, hoàn thành, kịp thời giải ngân nguồn vốn đã được bố trí, phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu vực hưởng lợi, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh được chuyển mục đích sử dụng rừng các dự án trên sang mục đích khác theo quy định.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top