Kinh tếĐầu tư

Kết quả tích cực từ các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông

08:53 - Thứ Tư, 04/11/2020 Lượt xem: 33013 In bài viết

ĐBP - Thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông. Trong đó, thường xuyên bổ sung, hoàn thiện quy hoạch; phát triển giao thông theo quy hoạch; thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông trên địa bàn được xem là những giải pháp trọng tâm.

Công ty TNHH Ðầu tư và Xây dựng Vĩnh Phúc thi công Dự án Nâng cấp, cải tạo đường nội thị thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông). Ảnh: Mạnh Thắng

Theo báo cáo từ Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 9.568,2km đường giao thông, gồm: 2.039,1km đường bê tông xi măng (chiếm 21,3%); 430,49km bê tông nhựa (4,5%); 1.457,4km đường đá dăm láng nhựa (15,2%); 1.064,38km đường cấp phối (11,2%) và 4.576,7km đường đất (47,8%). Trong đó có 6 tuyến quốc lộ dài 745,3km. Hiện nay 100% xã trên địa bàn đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó tỷ lệ các xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm đạt 93,8%.

Việc UBND tỉnh phê duyệt Ðiều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030 là cơ sở quan trọng để mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh được đầu tư phát triển đồng bộ. Mục tiêu của quy hoạch là nâng cấp đồng bộ các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp III, các tuyến đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V; nhựa hóa và bê tông hóa 100% đường huyện và 80% đường xã gắn với xây dựng nông thôn mới có hạ tầng giao thông hiện đại. Ðối với giao thông đô thị, phát triển mạng lưới giao thông phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị, đảm bảo quỹ đất cho giao thông đạt từ 18% - 23% đất xây dựng đô thị. Theo quy hoạch, việc phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 - 2030 cần trên 51 nghìn tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 8.584 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 14.629 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2030 là 28.483 tỷ đồng.

Thực hiện quy hoạch, những năm qua tỉnh ta đã triển khai nhiều dự án phát triển giao thông quan trọng trên các tuyến QL279, QL12, QL6, QL4H. Trong đó nhiều dự án đã hoàn thành như: Cải tạo, nâng cấp QL279 (đoạn đèo Chiến Thắng - Minh Thắng); cải tạo, nâng cấp QL12 đoạn Mường Chà - TP. Ðiện Biên Phủ; sửa chữa nền mặt đường QL6 đoạn Tuần Giáo - TX. Mường Lay; xây dựng đường Si Pha Phìn - Mường Nhé (Km0 - Km100+200); cải tạo nâng cấp QL4H đoạn Km0 - Km47 và đoạn Km147+200 - Km184+200; cải tạo nâng cấp QL279B… Các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm tu sửa, nâng cấp, mở rộng đảm đương vai trò là trục đường chính kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các khu lân cận và Trung ương. Ðặc biệt QL279 đấu nối với QL2E của nước bạn Lào là tuyến đường huyết mạch phục vụ đắc lực vận tải hành khách, hàng hóa phục vụ giao thương, giao lưu văn hóa của người dân 2 nước Việt - Lào nói chung, nhân dân các dân tộc trong tỉnh ta với người dân các tỉnh Bắc Lào nói riêng. Bên cạnh đó, các tuyến quốc lộ khác như: QL6 nối Tuần Giáo - Mường Lay và các tỉnh Sơn La - Lai Châu; QL12 nối liền trục kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ - Mường Chà - Mường Lay. Quốc lộ 4H có 2 tuyến nhánh đi ra cửa khẩu Si Pha Phìn (phía Lào là Huổi Lả) và A Pa Chải (phía Trung Quốc là Long Phú) được đầu tư nâng cấp kết nối với QL4G, QL279 và QL12 tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thông suốt, đóng vai trò động lực chính trong thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa, y tế giáo dục, thông tin tuyên truyền cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ đời sống đồng bào các dân tộc trong khu vực biên giới; thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu. 

Không thể không nhắc đến một trong những dự án giao thông quan trọng là cải tạo, nâng cấp QL12 kéo dài. Dự án hoàn thành sẽ kết nối các xã phía Tây lòng chảo huyện Ðiện Biên (là các xã biên giới Việt - Lào) như: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Noong Hẹt, Pa Thơm với trung tâm huyện và trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. Ðây là tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ nói riêng và của tỉnh Ðiện Biên nói chung.

Ðể tạo nguồn lực đầu tư phát triển giao thông, những năm gần đây tỉnh ta đã có nhiều giải pháp, cơ chế thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn theo hình thức đối tác công - tư. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh triển khai 4 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gồm: Dự án Xây dựng tuyến đường Thanh Minh - Ðộc Lập có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 286 tỷ đồng; Dự án Xây dựng đường Trần Văn Thọ kéo dài nằm trên địa phận 2 phường Him Lam, Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), dự kiến tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Ðối với các dự án đang thực hiện có Dự án Ðường 15m kéo dài. Ðặc biệt hiện nay tỉnh ta đang nỗ lực tập trung nguồn lực, phối hợp với các bộ ngành Trung ương triển khai các bước của dự án mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Nhằm tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới, được biết tỉnh đang tập trung đề xuất Bộ Giao thông vận tải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thiện 2 dự án còn dở dang là: QL12 đoạn Mường Lay - Mường Chà và QL 279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng; đầu tư khởi công mới 3 dự án, gồm: QL4H đoạn Km0 - Km47; QL4H đoạn Km147+200 - Km184+200 (bao gồm cả nhánh ra cửa khẩu A Pa Chải) và QL12 đoạn Km194+529,50 - Km204+163,50. Ðồng thời đề nghị Trung ương ưu tiên bố trí vốn để tiếp tục triển khai thực hiện 2 dự án: Cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Tuần Giáo - TX. Mường Lay và Cải tạo, nâng cấp QL279 đoạn Ðiện Biên - Tây Trang.   

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top