Kinh tếĐầu tư

Giải ngân vốn ODA còn vướng mắc

08:49 - Thứ Hai, 09/11/2020 Lượt xem: 34422 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Nhờ đó 9 tháng năm 2020, tỷ lệ giải ngân nguồn ODA và vốn vay ưu đãi toàn tỉnh đạt 45,77% kế hoạch, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân khá trong toàn quốc.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, trong có bao gồm cả phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi là nhiệm vụ chính trị quan trọng; là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, xác định rõ và phân công nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị trong thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; định kỳ đánh giá chi tiết tiến độ của từng nguồn vốn, dự án, xác định hạn chế, nguyên nhân và có giải pháp cụ thể.

Năm 2020, tỉnh ta được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư giao kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi 570,125 tỷ đồng; trong đó: Kế hoạch vốn năm 2020 là 423,1 tỷ đồng và kế hoạch năm 2019 chuyển sang là 147,025 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết ngày 30/9 là 260,946 tỷ đồng (đạt 45,77% kế hoạch vốn), trong đó giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 đạt 44,7%; giải ngân kế hoạch vốn chuyển từ năm 2019 đạt 48,71%.

Mặc dù được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đánh giá, xếp loại khá trong việc giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi song với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, UBND tỉnh cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn chưa đạt dự kiến. Có một số nguyên nhân chủ yếu là: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, xây dựng tạm dừng thi công và hoàn thiện các hồ sơ thanh toán vốn cho các dự án; một số dự án, công trình khởi công mới được bố trí vốn năm 2020 đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện. Bên cạnh đó, do vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 68/2019/NÐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng như: Chậm xây dựng, ban hành đơn giá, định mức xây dựng cho các công việc đặc thù, chuyên ngành; một số quy định giữa Nghị định số 68/2019/NÐ-CP và Thông tư hướng dẫn chưa thống nhất; quy định về thủ tục điều chỉnh dự toán tại Nghị định số 68/2019/NÐ-CP mặc dù đã được tháo gỡ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ, tuy nhiên vẫn chưa cụ thể; cơ chế quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Chính phủ mới ban hành Nghị định 56/2020/NÐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các nghị định trước đó, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh Hiệp định vay làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thực hiện. Một số dự án lớn như: Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giải ngân chậm là do một số gói thầu tại tuyến đường dây trung áp có các điểm chân cột và hành lang tuyến đi qua khu vực rừng tự nhiên, phải thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên đã làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của dự án. Hay Dự án mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả có một số nội dung đã có giá trị khối lượng hoàn thành nhưng vẫn chưa tiến hành giải ngân được do tỉnh Ðiện Biên đã rút vốn vượt quá chỉ số DLI, hiện không rút được kế hoạch vốn năm 2020… Chưa kể một số dự án chưa được cấp trên chuyển tiền thanh toán. Ðơn cử năm 2020, kế hoạch vốn của Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP. Ðiện Biên Phủ, giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 2) được giao là 71,429 tỷ đồng. Ðến ngày 30/9/2020, khối lượng hoàn thành nghiệm thu đạt 49,35% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn chương trình này vẫn chưa thể tiến hành giải ngân do các bộ, ngành Trung ương chưa chuyển vốn cho UBND TP. Ðiện Biên Phủ để thực hiện giải ngân.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top