Kinh tếĐầu tư

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

09:03 - Thứ Sáu, 05/02/2021 Lượt xem: 61685 In bài viết

ĐBP - Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được tất cả nhu cầu đầu tư, những năm qua tỉnh ta đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn lực đầu tư. Từ đó góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng nông nghiệp nông thôn.

Công nhân Công ty TNHH Ðức Ðoàn thi công kè chống sạt lở 2 bên bờ suối Huổi Lé, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên).

Mục tiêu của tỉnh ta là “phấn đấu xây dựng Ðiện Biên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc”. Ðể thực hiện thành công mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần tạo ra thế và lực mới thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, để tăng cường thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tỉnh chú trọng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý của các cấp, các ngành.

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác huy động vốn là đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa bàn; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và xúc tiến đầu tư; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Với nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp, trong 5 năm (2016 - 2020) toàn tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án, với tổng số vốn đăng ký trên 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng 53 dự án và hơn 6,2 nghìn tỷ đồng so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó đã có 42 dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng và thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án đã được phê duyệt.

Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 50.276 tỷ đồng, nhịp độ tăng bình quân đạt 13,1%/năm. Trong đó vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hơn 24.957 tỷ đồng (chiếm 49,6% tổng số vốn); vốn khu vực ngoài nhà nước hơn 25.255 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 70 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư công giảm dần, trong khi đó tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước có xu hướng tăng cao. Cùng với đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã huy động, lồng ghép được khoảng 7.500 tỷ đồng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Các nguồn lực đã được sử dụng tập trung để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng - xã hội từng bước được đầu tư, nhất là giao thông có nhiều cải thiện theo hướng kết nối đồng bộ, diện mạo đô thị và nhiều vùng dân cư nông thôn có những thay đổi tiến bộ. Nhiều tuyến đường được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, nâng cấp thành quốc lộ với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và đang từng bước được đầu tư đồng bộ như: Quốc lộ 12 kéo dài (bao gồm cả cầu Nậm Thanh và cầu C4); quốc lộ 279B từ Nà Tấu - Mường Phăng; quốc lộ 12B từ Pom Lót - Mường Luân - Chiềng Sơ; tuyến quốc lộ 4H đi Mường Nhé - A Pa Chải; nhiều tuyến tỉnh lộ được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội như: Tuyến Km45 - Nà Hỳ; Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí…

Những tín hiệu tích cực trong thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6%/năm; GRDP bình quân đầu người trên 33,47 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 3,62%/năm (dự ước năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 29,93%); riêng các huyện nghèo, bình quân giảm 4,83%/năm. Cùng với đó, hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng; đến nay 100% xã có đường ô tô đến được trung tâm xã, trong đó 93% số xã đi lại được quanh năm (tăng 4,6% so với năm 2015). Những năm qua, hạ tầng đô thị trung tâm, các thị trấn được đầu tư phát triển theo hướng hiện đại; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng đô thị, trọng tâm là TP. Ðiện Biên Phủ và khu vực lân cận để thu hút đầu tư. Ðến nay, tỷ lệ hóa đô thị đạt gần 26% (tăng 5,45% so với năm 2015); tỷ lệ dân số khu vực đô thị được sử dụng nước sạch đạt 99,6%; tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,13%.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top