Kinh tếĐầu tư

Nhiều công trình, dự án đầu tư chưa hiệu quả

08:19 - Thứ Sáu, 29/10/2021 Lượt xem: 97950 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên được giao tổng vốn đầu tư công trung hạn hơn 10.040 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã có 964 dự án được thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, số vốn đã giải ngân hơn 9.351 tỷ đồng, đạt 93,14% kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều công trình, nhất là những công trình nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; thậm chí không phát huy hiệu quả ngay từ các khâu khảo sát, lập đề xuất dự án, thiết kế.

Công trình Thủy lợi Huổi Khon, xã Nậm Kè đưa vào sử dụng chưa được 1 năm nhưng nhiều đoạn bị đất đá vùi lấp không dẫn được nước tưới.

Công trình Thủy lợi Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) có quyết định chủ trương đầu tư tháng 10/2019, với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng, từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, do Ban Quản lý dự án các công trình huyện Mường Nhé quản lý, điều hành. Thời gian thực hiện và kết thúc đầu tư Dự án năm 2020. Mục tiêu của Dự án nhằm đảm bảo cấp nước tưới cho 13ha lúa ruộng 2 vụ; trong đó, có 4ha ruộng đã có và 9ha khai hoang mới để ổn định phát triển sản xuất và đảm bảo lương thực cho các hộ dân vùng Dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh cho bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè. Mặc dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020, nhưng đến nay một số đoạn kênh đã bị đất sạt lở, vùi lấp, không dẫn nước về sản xuất được. Người dân trong bản đã nhiều lần hót sạt sụt, nhưng sau mỗi trận mưa thì nhiều đoạn kênh tiếp tục bị vùi lấp. Có thể khẳng định, công trình chưa phát huy hết công năng là do địa hình, địa chất nơi đây cấu tạo rời rạc, luôn xuất hiện lũ quét, lũ bùn khi mưa lớn kéo dài. Khắc phục tình trạng này, UBND xã và người dân trên địa bàn cần xây dựng phương án thường xuyên hót sụt sạt, khơi thông dòng chảy khi kênh bị vùi lấp.

Bên cạnh những công trình không phát huy hiệu quả sau đầu tư, thì có một số công trình không hiệu quả ngay từ bước đề xuất, lập dự án, khảo sát thiết kế. Điển hình, công trình thủy lợi Lò San Chái, xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé). Công trình được đầu tư năm 2014, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng, thế nhưng không có bãi tưới, không phát huy hiệu quả ngay từ bước khảo sát, thiết kế. Ông Đàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Việc đầu tư xây dựng công trình dựa trên cơ sở khảo sát và đề xuất của các hộ dân, tuy nhiên diện tích khai thác không lớn. Vì vậy, trong quá trình đầu tư xây dựng, phòng đã phối hợp với đơn vị thi công sử dụng các thiết bị máy móc để phát quang cây cối và hỗ trợ người dân việc khai hoang ruộng. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 - 2 hộ trên đầu tuyến thực hiện, còn lại bà con chưa tham gia. Vì vậy, đến nay công trình chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư. Cho ý kiến về nội dung này, ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé chỉ ra: Nguyên nhân do khi khảo sát đầu tư công trình, thời gian ngắn, gấp rút, vì vậy một số bước, khâu còn hạn chế; đặc biệt việc khảo sát bãi tưới chưa kỹ; bãi tưới như khảo sát thiết kế là chưa sát thực tế, bởi chỉ có cây lau lách và bên dưới là đá, không thể canh tác. Chính vì vậy, đến nay chỉ có 1 - 2 hộ dân khai hoang nơi đầu tuyến kênh.

Không chỉ có các công trình thủy lợi, qua kiểm tra, giám sát tại một số công trình khác, như: Công trình đường giao thông, nhà văn hóa... chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì có vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc khảo sát, lập đề xuất dự án, chưa quan tâm khảo sát ý kiến người dân; công tác giám sát đầu tư cộng đồng, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng chưa được quan tâm, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp. Việc quản lý chất lượng xây dựng của một số dự án còn thiếu chặt chẽ, nhất là các dự án nhỏ ở vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc đi lại. Năng lực triển khai thực hiện tại một số đơn vị, địa phương còn yếu, chưa quyết liệt; chuyên môn, năng lực của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn, giám sát, nhà thầu còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung, thiếu trọng tâm, trọng điểm dẫn đến không hiệu quả.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top