Xã hộiĐịa chỉ cần chia sẻ

Những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ

08:49 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 23087 In bài viết

ĐBP - Trong hành trình của cuộc sống, tôi đã từng gặp nhiều những cảnh đời bất hạnh: Người mất mẹ, kẻ không cha, gia đình ly tán... Nhưng điều khiến tôi ám ảnh nhất là những đứa trẻ “trót” sinh ra từ những “gia đình ma túy”. Hầu hết các em phải tự bươn chải mưu sinh từ khi còn rất nhỏ; tự nấu cơm, tự tắm giặt, tự dỗ dành bản thân những khi đói cơm rách áo. Trong khi cha, mẹ các em mải miết trong làn khói phù dù, những chuyến hàng ma túy hoặc đã khuất núi, bỏ mặc con thơ với bao tủi hờn.

 

Em Lò Thị Phương giúp mẹ làm việc nhà.

Như thường lệ, sau mỗi chiều tan học, hai chị em Lò Thị Hồng (11 tuổi), Lò Thị Linh (7 tuổi), bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) lại lên rừng kiếm củi, hái rau và trở về nhà lúc xẩm tối. Lủi thủi nhóm bếp nấu cơm, rồi tự ăn, tự ngủ và sáng hôm sau cũng tự dậy đi học. Cứ như vậy, hai chị em chăm sóc, bảo vệ nhau theo bản năng sinh tồn…

Ông Quàng Văn Dương, Trưởng bản Lịch Cang kể: “Hoàn cảnh 2 chị em Hồng, Linh khổ lắm. Lúc bố còn sống cũng chẳng mấy khi được ăn no. Trong nhà có gì bố nó cũng đem bán để lấy tiền mua ma túy. Ðến khi chết rồi còn gieo rắc bệnh tật cho vợ con. Giờ hai cháu mồ côi, làng bản ai cũng thương, lúc cho quả trứng, khi thì mớ rau”.

Bố nghiện ma túy và chết vì căn bệnh HIV/AIDS khi Lò Thị Linh chưa đầy 1 tuổi. Năm 2014, mẹ cháu cũng qua đời vì lây bệnh từ bố. Linh cũng bị nhiễm HIV từ khi còn trong bụng mẹ. Chị gái Linh là Lò Thị Hồng bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình. Tài sản mà cha mẹ để lại cho 2 chị em là ngôi nhà nhỏ, được che chắn bằng phên nứa. Ngồi trong nhà mà gió thổi ba bề bốn bên, ngửa mặt là thấy ánh mặt trời. Buổi tối đi ngủ, chị em Hồng, Linh thường đốt củi để chống lại cái lạnh bủa vây.

Bà ngoại của hai cháu năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhà ở cạnh đó, bà bảo: “Thương cháu lắm, nhưng cũng chẳng giúp được gì nhiều. Cậu của Linh đông con, ngoài thời gian lên nương bà ngoại cũng mải trông các em cho cậu. Thương các cháu, bà bảo hai chị em sang nhà bà ngủ cho đỡ lạnh, nhưng các cháu muốn tự lập, ngủ ở nhà để có cảm giác hơi ấm của mẹ”. Nói rồi, đôi mắt mờ đục của bà ngấn lệ, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má nhăn nheo.

Giống như hoàn cảnh của chị em Linh, bố của Lò Thị Phương, bản Ít Nọi, xã Nặm Lịch nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS nên cũng đã qua đời. Mẹ Phương bị lây bệnh từ bố và Phương cũng mắc bệnh từ khi còn trong bụng mẹ. Dù đã 10 tuổi nhưng nhìn Phương rất nhỏ dại. So với ngôi nhà của chị em Hồng, Linh, nhà của Lò Thị Phương có phần khá hơn. Tuổi thơ của Phương rất buồn tủi, Phương cho biết: Do bố nghiện ma túy nên thường đi vắng. Hôm nào bố ở nhà thì thường kiếm cớ đánh chửi em và mẹ, do không có tiền hút chích. Một lần Phương với mẹ đang ngủ thì bố về nhà, kề dao vào cổ mẹ em đòi tiền mua ma túy. Ðể bảo toàn tính mạng, mẹ giả vờ đi lấy tiền cất ở gác bếp rồi cõng em chạy miết vào rừng, đến mấy ngày sau mới dám về nhà. Bây giờ bố không còn nữa, cuộc sống hai mẹ con cũng bình yên hơn, không còn ám ảnh lo sợ bởi những trận đòn từ bố. Hàng ngày, em và mẹ điều trị thuốc ARV theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.

Mỗi đứa trẻ trong những gia đình có người thân nghiện ma túy luôn có những nỗi niềm, mơ ước khác nhau, nhưng chúng đều có chung một điểm là bất hạnh và hầu như không có tuổi thơ. Gia đình em Lò Văn K., bản Thanh Xuân, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) có 3 anh chị em. K. là con út trong gia đình, nhưng thời gian mà K. được ở bên bố mẹ rất ít, vì cả hai người đều nghiện ma túy và có “thâm niên” ngồi tù từ nhiều năm. Ba anh chị em K. chủ yếu tự xoay xở, chăm lóc lẫn nhau. Năm 2005, chị gái  K. mắc bệnh hiểm nghèo, do không có tiền để chữa trị nên qua đời khi vừa tròn 16 tuổi. Mấy năm sau, anh trai của K. tiếp tục đi theo vết xe đổ của bố mẹ và chết vì căn bệnh HIV/AIDS. Một mình K. đơn độc, mưu sinh đợi ngày bố mẹ trở về. Năm 2010, bố mẹ K. chấp hành xong án phạt tù, về nhà đoàn tụ. Tuy chỉ còn mình K., nhưng đối với em đó cũng là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, “ngựa quen đường cũ”, bố mẹ K. lại bị bắt về tội buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy. Thêm một lần nữa K. bơ vơ, học hết lớp 11 rồi nghỉ vì không có khả năng để học tiếp...

Mặc dù những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tỉnh đặc biệt quan tâm, các em được các tổ chức chính trị, xã hội giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là từ khi thực hiện Ðề án “Chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2013 - 2020 tỉnh Ðiện Biên”, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị tổn hại được phát hiện sớm, nhận được sự trợ giúp chăm sóc kịp thời từ các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, dù bất cứ sự trợ giúp nào cũng không thể bằng sự sát sao, quan tâm chăm sóc con cái của chính những bậc sinh thành. Môi trường giáo dưỡng từ mỗi gia đình là nền tảng để mỗi trẻ em hình thành được nhân cách tốt nhất. Mong rằng các ông bố, bà mẹ khi sa vào tệ nạn ma túy hãy từ bỏ giấc mộng phù phiếm, quan tâm chăm sóc và trả lại tuổi thơ cho con trẻ, để cuộc sống thêm tươi đẹp hơn.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top