Kinh tếĐiện & đời sống

Cần có quy hoạch phát triển điện mặt trời

08:52 - Thứ Hai, 22/03/2021 Lượt xem: 1819 In bài viết

ĐBP - Chỉ trong 2 năm (2019 - 2020), số hộ gia đình, tổ chức lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn tỉnh tăng nhanh với 447 khách hàng (100% lắp điện mặt trời áp mái). Trước thực trạng trên, để đảm bảo việc phát triển phù hợp, tránh những rủi ro, cần phải có quy hoạch về việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ.

Nắm bắt chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ và những lợi ích từ điện mặt trời đem lại (giảm chi phí tiền điện, bảo vệ môi trường và tăng thu nhập từ việc bán điện năng dư thừa cho ngành điện…), từ năm 2019 đến nay, nhiều tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư điện mặt trời. Do chưa có quy hoạch chi tiết phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh nên đến nay việc đầu tư phát triển các nhà máy điện năng lượng mặt trời chưa có, chủ yếu là các dự án điện mặt trời áp mái nhà với công suất nhỏ dưới 1mWp tại các hộ gia đình, nhà xưởng và một số dự án điện mặt trời mái nhà nhỏ hơn 1mWp thuộc dự án trồng cây công nghệ cao.

Việc phát triển điện mặt trời đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và người tiêu dùng. Ðối với Nhà nước có thêm một nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao, giảm tối đa nguồn vốn ngân sách phải đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Mặt khác, điện mặt trời áp mái góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện lưới, giảm tiền điện cho người tiêu dùng do giảm điện năng tiêu thụ từ lưới điện; đồng thời, số điện năng sử dụng dư thừa có thể bán lại cho công ty điện lực, góp phần tăng thu nhập. Theo tính toán, một hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với diện tích 15m2 sẽ cho công suất 3kWp. Trong khi đó, suất đầu tư cho 1kWp hơn 10 triệu đồng. Trung bình lượng điện sản sinh được sử dụng tại chỗ 20% và 80% còn lại được bán cho công ty điện lực.

Siêu thị Hoa Ba là một trong những doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện áp mái mặt trời đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Trước đây, trung bình mỗi tháng siêu thị chi trả trên 200 triệu đồng tiền điện. Năm 2019, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 150kWp, tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, sản lượng điện phát lên lưới điện đạt khoảng 12,599kWh, sản lượng điện đó đã giúp đơn vị giảm chi phí tiền điện hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.

Mặc dù lợi ích điện mặt trời đem lại không nhỏ, nhưng trước thực trạng phát triển mang tính tự phát khá nhanh, cần sớm có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết về phát triển loại điện năng này; tránh tình trạng phát triển ồ ạt, dẫn đến nguy cơ rủi ro cao. Theo thống kê của Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, hiện nay Công ty đã tiếp nhận 477 khách hàng điện mặt trời áp mái (chỉ tính số khách hàng đăng ký bán điện cho Công ty) với tổng công suất 29,48mWp, sản lượng đạt 3,256 triệu kWh/năm. Với những khách hàng có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 thì giá mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà áp dụng trong năm 2020 là 2.164 đồng/kWh; còn đối với những khách hàng lắp đặt sau ngày 30/6/2019, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ áp dụng theo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 1.940 đồng/kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, và sẽ được điều chỉnh theo biến động thời gian tỷ giá.

Mặc dù hiệu quả nhưng từ đầu năm 2021, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đã thông báo tạm dừng tiếp nhận nhu cầu đăng ký lắp đặt điện mặt trời áp mái, chờ chủ trương của Nhà nước. Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã hết hiệu lực sau năm 2020 và đến nay chưa có quyết định thay thế và hướng dẫn thực hiện tiếp theo. Hiện nay, Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo. Kể từ năm 2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời áp mái chưa được xác định. Do đó, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển sau năm 2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền. Ðồng thời thông tin đến các chủ đầu tư biết Công ty sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định, hướng dẫn mới của Chính phủ. Trước thực trạng trên, hiện nay ngành Ðiện lực tỉnh tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng điện nên lắp đặt điện mặt trời mái nhà với quy mô công suất phù hợp với mức độ sử dụng điện và chi phí đầu tư để dùng hết lượng điện phát ra nhằm giảm tiền điện tiêu thụ trong giờ cao điểm hoặc tiền điện có giá bậc cao.

Ðiện Biên là tỉnh có chỉ số giờ nắng cao (khoảng 1.820 - 2.035 giờ/năm) nên có nhiều lợi thế khi triển khai mô hình điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, trên địa bàn tỉnh có trên 50% mái nhà có khả năng lắp đặt điện mặt trời áp mái hiệu quả. Do vậy, việc sớm có quy hoạch phát triển điện mặt trời là rất cần thiết, để đảm bảo hài hòa công tác quy hoạch chung của tỉnh và tránh rủi ro cho khách hàng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top