Chính trịĐối ngoại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng

09:43 - Thứ Hai, 11/06/2018 Lượt xem: 3797 In bài viết
Nhận lời mời của Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng được tổ chức tại vùng Sác-lơ-voa, bang Kê-bếch, Ca-na-đa.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn dự Hội nghị.

Trong khuôn khổ chủ đề và nghị sự của G7 năm 2018 dưới sự chủ trì và điều phối của Ca-na-đa, nội dung của Hội nghị cấp cao G7 mở rộng đặt trọng tâm vào vấn đề biển và đại dương. Hội nghị đã đánh giá vấn đề ô nhiễm và khai thác không bền vững các tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương là thách thức chung của toàn cầu, đe dọa sự phát triển bền vững của cả hành tinh, trước hết là các quốc gia ven biển; kêu gọi tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực trong bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương hướng tới mục tiêu đại dương xanh và hành tinh xanh. Tại Hội nghị, hầu hết các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thực hiện Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu (COP-21), chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và biện pháp tăng cường năng lực thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy các cơ chế giải quyết các vấn đề biển trên cơ sở luật pháp quốc tế,… Hội nghị ủng hộ sáng kiến của Ca-na-đa về tăng cường hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và xử lý rác thải nhựa xả ra đại dương và thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng phó biến đổi khí hậu.

* Ngày 9-6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay). Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được nước chủ nhà Ca-na-đa và nhiều nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất, cũng như lập trường của ASEAN về Biển Đông.

* Trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí cần tăng cường phối hợp đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất và hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, triển khai tốt các thỏa thuận cũng như Tuyên bố chung hai bên đã nhất trí trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật Bản mới đây. Hai Thủ tướng nhất trí hai nước cần tập trung nỗ lực sớm phê chuẩn và đi vào triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm mang lại lợi ích cho hai quốc gia và cả khu vực. Thủ tướng S.A-bê cam kết hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương cũng như trong khuôn khổ ASEAN - Nhật Bản, nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng S.A-bê tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - ASEAN vào tháng 9 tới tại Việt Nam.

* Tại cuộc gặp Thủ tướng Na Uy Ê.Xôn-béc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ê.Xôn-béc đã trao đổi ý kiến về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước hiệu quả hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp Na Uy tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh như vận tải biển, đóng tàu, dầu khí, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước phối hợp thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trên tinh thần cân bằng lợi ích, có tính tới chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Na Uy hỗ trợ Việt Nam phát triển y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường... Thủ tướng Na Uy đánh giá, hợp tác lâm nghiệp giữa Na Uy và Việt Nam phát triển tốt và cộng đồng người Việt Nam phát triển thành công tại Na Uy, là cầu nối cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

* Tại cuộc gặp Thủ tướng Băng-la-đét S.Ha-xi-na, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những đánh giá và tình cảm tốt đẹp của Bà dành cho Việt Nam và quan hệ hai nước. Thủ tướng Băng-la-đét mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Băng-la-đét. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước; khai thác thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Băng-la-đét. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới hai bên tập trung triển khai các biện pháp cụ thể để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước, Việt Nam sẵn sàng cung cấp lương thực ổn định lâu dài cho Băng-la-đét. Thủ tướng cũng đề nghị Băng-la-đét ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

* Tại cuộc gặp Tổng thống Pháp E.Ma-crông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Ma-crông bày tỏ hài lòng về bước phát triển toàn diện của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, trong đó chuyến thăm Pháp tháng 3-2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào chiều sâu. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước tiếp tục có nhiều tiến triển tích cực. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chiến lược, an ninh - quốc phòng, phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước; nhất trí mở rộng tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các địa phương hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời mời của lãnh đạo Việt Nam tới Tổng thống Pháp và mời Thủ tướng Pháp sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Ma-crông bày tỏ mong muốn sẽ thăm Việt Nam trong năm 2019 và sẽ chuyển lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Thủ tướng Pháp.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng vừa được bổ nhiệm của I-ta-li-a G.Côn-tê. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và I-ta-li-a phát triển sâu rộng, duy trì và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn I-ta-li-a ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng I-ta-li-a sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng I-ta-li-a đã vui vẻ nhận lời.

* Tại cuộc gặp Tổng thống Ác-hen-ti-na M.Ma-cri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Ma-cri khẳng định coi trọng mỗi nước trong tổng thể chính sách đối ngoại của nhau và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác mang tầm chiến lược giữa hai nước, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên góp phần thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại hai chiều đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Tổng thống Ác-hen-ti-na trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Ác-hen-ti-na năm 2018, khẳng định mong muốn thăm Việt Nam vào năm 2019, nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác lâu dài.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp, trao đổi ý kiến với Tổng thống các nước Ha-i-ti, Xê-nê-gan, Nam Phi. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi ý kiến với lãnh đạo các nước về nhiều biện pháp mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và các nước này, nhất là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nhằm khai thác tiềm năng của các mối quan hệ song phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Chính phủ Xê-nê-gan quan tâm, công nhận vị thế pháp lý của cộng đồng người Việt Nam sinh sống làm ăn tại Xê-nê-gan; đề nghị Nam Phi ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Lãnh đạo các nước đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống với Việt Nam, quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) C.Gioóc-giơ-va và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam trân trọng ý kiến tư vấn của các tổ chức WB và IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp. Thủ tướng đề nghị WB tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nghèo; khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng hiệu quả vốn ưu đãi IDA. Thủ tướng đề nghị IMF phối hợp theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam; tiếp tục tư vấn Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về quản lý ngân sách bền vững, tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng, thống kê kinh tế vĩ mô… Tổng Giám đốc WB và IMF bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, nhiều rủi ro; khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong cải thiện môi trường đầu tư, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ủng hộ mạnh mẽ và đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình cải cách.

* Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ủng hộ các nỗ lực, đóng góp của cá nhân Tổng Thư ký đối với việc tăng cường vai trò của ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và sẽ tham gia tích cực vào các công việc chung của Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động. Thủ tướng đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, cá nhân ông mong muốn được thấy Việt Nam trở thành thành viên tích cực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Tổng Thư ký Liên hợp quốc dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) - ASEAN và thăm Việt Nam. Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm thăm Việt Nam.

* Trước đó, ngày 8-6, tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Ca-na-đa diễn ra ở tỉnh Kê-bếch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp hai nước. Các biên bản ghi nhớ hợp tác bao gồm: Ý định thư hợp tác đối tác chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Quỹ Nghiên cứu khoa học Kê-bếch, Ca-na-đa; Bản ghi nhớ về gói hỗ trợ kỹ thuật giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Ngân hàng quốc gia Ca-na-đa; Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa Trường đại học Kinh tế quốc dân và Trường đại học

Kê-bếch tại Mông-tơ-rê-an; Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh Hệ thống phòng học ngoại ngữ đa phương tiện Robotel SmartClass+ giữa Công ty TNHH Thương mại và phát triển công nghệ Hoàng Thành và Tập đoàn Robotel, Ca-na-đa trị giá 100 triệu USD. H Sáng 10-6, tại bang Kê-bếch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi gặp mặt, nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều tỉnh, bang trên các vùng, miền của Ca-na-đa. Vui mừng gặp gỡ, chuyện trò với bà con Việt kiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động và cảm ơn kiều bào đã vượt đường sá xa xôi từ nhiều địa phương trên đất nước Ca-na-đa rộng lớn để hội tụ về bang Kê-bếch tham dự cuộc gặp mặt thân mật, ấm áp tình quê hương.

Khẳng định chính sách xuyên suốt của Đảng, Nhà nước luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, mọi người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào ở Ca-na-đa, đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đề cập đến trách nhiệm của công tác bảo hộ công dân, kết nối hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, Thủ tướng căn dặn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-na-đa cần không ngừng nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người Việt Nam ở nước sở tại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy bà con Việt kiều tại Ca-na-đa đã có nhiều nỗ lực trong công việc và học tập, hội nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội của Ca-na-đa; mong muốn kiều bào Việt Nam tại Ca-na-đa tiếp tục chung tay xây dựng cộng đồng vững mạnh, thành đạt; tiếp thu tri thức trên thế giới, đóng góp vào xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.

Đại diện bà con Việt kiều dành sự quan tâm và vui mừng trước kết quả phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội đất nước; bày tỏ tự hào, phấn khởi về thành công của chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng và thăm Ca-na-đa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Việt Nam; tin tưởng, chuyến thăm sẽ có ý nghĩa quan trọng đưa quan hệ hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới viếng Tượng đài Nguyễn Trãi nằm trên đường Đờ Au-tơi, trong Công viên E-xờ-pla-nết, gần khu vực diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng và kiều bào Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Tượng đài, như một biểu tượng cho mối quan hệ lâu đời và sâu sắc của nhân dân Việt Nam với nhân dân Ca-na-đa.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top