Chính trịĐối ngoại

Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh

14:51 - Thứ Ba, 26/03/2019 Lượt xem: 4096 In bài viết

Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chung tay hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và con người, góp phần để Việt Nam phát triển bền vững và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).

 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (trái) phát biểu tại hội thảo.

Đây là thông điệp của Việt Nam tại hội thảo quốc tế “Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, nỗ lực vì hòa bình và phát triển bền vững” do Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) phối hợp với Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tổ chức chiều 25/3 (giờ Mỹ) tại trụ sở LHQ ở New York.

Tham dự có đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam cùng đại diện của nhiều nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Canada, Liên minh Châu Âu (EU), phái đoàn và tùy viên quân sự một số nước ASEAN và đại diện các cơ quan của LHQ như Ủy ban hành động bom mìn Liên Hợp quốc (UNMAS), Cục Gìn giữ hòa bình LHQ (UN DPKO),  UNICEP, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNNCR), Cơ quan điều phối các hoạt động nhân đạo (OCHA) và các tổ chức Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)…

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn sự hỗ trợ của bạn bè và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là UNDP, trong việc giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh nhiều năm qua, khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực không ngừng và cố gắng ở mức cao nhất để Việt Nam ngày nay được ghi nhận là đất nước bình yên và an toàn. Tuy nhiên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng khẳng định khó khăn trước mắt còn rất nhiều và sự tiếp tục hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam là vô cùng cần thiết. 

Bà Asako Okai, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ, Trợ lý Tổng giám đốc UNDP, Giám đốc vụ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng chủ trì hội thảo, cho biết bà rất hiểu những thách thức Việt Nam hiện đang phải đối diện để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như duy trì sự phát triển bền vững. “Trong bối cảnh như vậy, UNDP đã có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt thông qua những dự án đang triển khai do UNDP điều phối và KOICA tài trợ nhằm đối phó với biến đổi khí hậu và rà phá bom mìn”. UNDP cũng có dự án hỗ trợ trực tiếp nạn nhân bom mìn ở Việt Nam, bà khẳng định.

 

Bà Asako Okai, Trợ lý Tổng Thư ký LHQ, Trợ lý Tổng Giám đốc UNDP phát biểu tại hội thảo.

Các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ thời gian qua, ghi nhận sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và UNDP, cũng như với các nước và các tổ chức quốc tế và đặc biệt ấn tượng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình chỉ trong vòng 25 năm, hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ ở cấp quốc gia trước thời hạn 2015, trong đó đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo, mà kết quả khắc phục hậu quả sau chiến tranh tại Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu đó. 

Các đại biểu cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục giải quyết các nỗi đau do chiến tranh để lại, cùng góp phần vào hoà bình, và phát triển thịnh vượng bền vững trên toàn thế giới. 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nhận được sư hợp tác hơn nữa của cộng đồng quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, những khả năng của mình để giúp cho cộng đồng quốc tế có năng lực tốt hơn trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh ở nhiều khu vực trên thế giới. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết sắp tới đây, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam sẽ được gắn với các vấn đề môi trường, phát triển, khoa học để mỗi một dự án khắc phục hậu quả chiến tranh đều đem lại những hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như trong quan hệ quốc tế.

Theo báo cáo của Văn phòng 701, trong năm 2019, Ban Chỉ đạo 701 sẽ tiếp tục khởi công dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và dự kiến sẽ xử lý được 35% khối lượng đất nhiễm dioxin và rà soát 100% số người tham gia kháng chiến và con cháu có liên quan đến phơi nhiễm từ nay đến hết năm 2020. 

Theo con số thống kê chính thức của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Việt Nam hiện vẫn còn hơn 3 triệu người nhiễm chất độc màu da cam. Tại Việt Nam, tính đến năm 2018, khoảng 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã được xem xét xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi, trong đó có 159.000 người đang được hưởng chế độ ưu đãi.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top