Chính trịĐối ngoại

Chủ động và tích cực tham gia, đóng góp định hướng hợp tác APEC

09:52 - Thứ Sáu, 20/11/2020 Lượt xem: 14966 In bài viết

Nhận lời mời của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Mu-hi-i-đin I-a-xin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27, qua hình thức trực tuyến từ Hà Nội. Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 khẳng định, Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham gia và đóng góp vào việc xây dựng, định hướng hợp tác của Diễn đàn.

Với 21 thành viên, trong đó có ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, cùng nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, APEC đóng góp khoảng 59% GDP và 49% thương mại toàn cầu. Trong chặng đường hơn 30 năm phát triển, kể từ khi hình thành vào tháng 11-1989, APEC có những bước chuyển mình sâu sắc, trở thành nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại, công nghệ lớn và phát triển năng động của thế giới. APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư. Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác APEC, là thời hạn hoàn tất 25 năm triển khai các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư, đồng thời thông qua các chương trình hợp tác dài hạn, nhất là xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, với những định hướng hợp tác chiến lược trong hai thập niên tới.

Việt Nam chính thức trở thành thành viên APEC vào tháng 11-1998, đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Chặng đường hơn 20 năm đồng hành cùng APEC ghi đậm dấu ấn Việt Nam đóng góp thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong số ít thành viên hai lần được tín nhiệm giao trọng trách và đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất đề xuất và đi đầu triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác của APEC, với hơn 100 dự án trong nhiều lĩnh vực. Trong công tác điều hành hoạt động của Diễn đàn, Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, như Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch của nhiều Ủy ban, Nhóm công tác chủ chốt về thương mại đầu tư, quản lý ngân sách, ứng phó tình trạng khẩn cấp... Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất, kết quả công tác nhiều vị trí do Việt Nam đảm nhiệm được các thành viên đánh giá cao. Đặc biệt, Việt Nam đóng góp xây dựng nhiều văn bản định hướng hợp tác quan trọng và tầm nhìn cho giai đoạn phát triển mới của Diễn đàn, như Tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức đang đặt ra với các cơ chế hợp tác và tiến trình đa phương. Đại dịch Covid-19 bùng phát gây những tác động nghiêm trọng và chưa từng có. Các nước cùng lúc phải ứng phó “khủng hoảng kép” về y tế và kinh tế - xã hội. Đã có những dấu hiệu phục hồi ban đầu, song kinh tế thế giới chưa thể trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch. Với chủ đề “Tận dụng tiềm năng con người vì một tương lai tự cường, thịnh vượng chung”, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 sẽ thảo luận tập trung các mục tiêu ưu tiên, về cải thiện thương mại và đầu tư; kinh tế bao trùm thông qua kỹ thuật và kinh tế số; thúc đẩy bền vững sáng tạo.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của Diễn đàn, trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận các chiến lược, chương trình hợp tác lớn, liên quan tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, lộ trình cạnh tranh dịch vụ, kết nối tổng thể, phát triển bao trùm về kinh tế - xã hội... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Chúc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thành công tốt đẹp, tiếp tục phát huy vai trò của Diễn đàn và duy trì khu vực APEC là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; khẳng định Việt Nam chủ động, tích cực tham gia và đóng góp cho hợp tác APEC, góp phần vào nỗ lực chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top