Chính trịĐối ngoại

Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tạo tấm khiên vững chắc ở vùng biên

14:50 - Thứ Năm, 17/12/2020 Lượt xem: 18110 In bài viết

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào ra sức vận động nhân dân tham gia xây dựng biên giới, phát triển kinh tế, xã hội bằng những việc làm cụ thể, thể hiện sự hợp tác, giúp đỡ chân tình, cởi mở và thân thiện. Thời gian qua, sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng chức năng, nhân dân địa phương hai nước, các cặp bản kết nghĩa, đồn, trạm biên phòng kết nghĩa đã góp phần tạo “khiên” thép trấn áp các loại tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự vùng biên cũng như phòng, chống Covid-19 hiệu quả.

Bộ đội Đồn Biên phòng Mỹ Lý (BĐBP Nghệ An) trao quà cho học sinh nghèo vượt khó ở bản Púng Vái, cụm bản Phà Đánh, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: Hải Thượng

Điểm sáng trong ngoại giao biên phòng

Cùng với mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, BĐBP Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng nhằm tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau thực hiện tốt các hiệp định và quy chế về biên giới, cửa khẩu, góp phần giảm bất đồng, tăng cường giao lưu hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Năm 2013, mô hình kết nghĩa “Đồn - Trạm hữu nghị - Cửa khẩu hài hòa” “Đồn - Trạm hữu nghị - Biên giới bình yên” được triển khai. Đến nay, đã có 180 cặp/265 đồn biên phòng ký kết với lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu nước bạn. Trong đó, tuyến Việt Nam - Lào đã kết nghĩa 66 cặp; tuyến Việt Nam - Trung Quốc: 82 cặp, tuyến Việt Nam - Cam-pu-chia: 32 cặp. Đã có 123 cặp đồn, trạm biên giới tổ chức kết nghĩa, tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa 142 cụm dân cư hai bên biên giới. Sự phối hợp, sẻ chia, thấu hiểu này góp phần củng cố, nâng cao nhận thức, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lực lượng Biên phòng Việt Nam với các cơ quan chức năng bảo vệ biên giới của hai nước. Thực tế cho thấy, khi đã thật sự tin tưởng nhau thì giải quyết mọi vấn đề xảy ra trên biên giới sẽ thông suốt, thuận lợi và hiệu quả theo tinh thần: Đại sự trở thành trung sự, trung sự trở thành tiểu sự, tiểu sự trở thành không có gì. Từ hoạt động kết nghĩa đầy ân tình và hiệu quả này, tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa BĐBP Việt Nam với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng đã làm cho hiệu quả hợp tác biên phòng ngày càng đi vào thực chất, sâu hơn và thiết thực hơn.

Sự phối hợp giữa các đơn vị BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới bạn Lào nói riêng, BĐBP Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc, Cam-pu-chia nói chung đã mang lại nhiều kết quả đáng mừng trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên biên giới, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu, được chính quyền, nhân dân các dân tộc trên biên giới hai nước đồng tình ủng hộ. Thông qua mô hình, BĐBP Việt Nam nói chung và BĐBP các tỉnh biên giới đã và đang tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tạo nhiều mô hình mới, hiệu quả trong công tác đối ngoại biên phòng. Qua đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng là một tuyên truyền viên, một nhà ngoại giao trên biên giới.

Bản Thoọng Pẹ, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào), một trong những địa điểm được các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy chọn làm địa điểm trung chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” vào Việt Nam. Thấy rõ điều này, tổ công tác đặc biệt BĐBP tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp trao đổi với chính quyền huyện Khăm Cợt, lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn giúp Thoọng Pẹ phát triển kinh tế, đồng thời, bảo vệ an ninh, trật tự, vận động người dân không tiếp tay cho buôn lậu. Thông qua phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sơn Kim 1, Hương Sơn (Hà Tĩnh) triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “giúp bạn chính là giúp mình”. Ngoài vận động bà con người H’Mông xóa bỏ cây thuốc phiện, xóa bỏ tập tục lạc hậu, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào H’Mông dọc biên giới đã khai hoang thâm canh ruộng nước, trồng gừng, chăn nuôi trâu, bò, dê… thay trồng cây thuốc phiện, qua đây tuyên truyền vận động không tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng lậu qua biên giới. BĐBP tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thông qua các nội dung phối hợp trong khuôn khổ phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, nhận thức của người dân về phòng, chống tội phạm được nâng lên. Bên cạnh đó, mô hình đồn - trạm hữu nghị đã giúp hai bên trao đổi thông tin kịp thời, phá án thành công những vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, mua bán người, buôn lậu hàng hóa, động vật hoang dã qua biên giới.

Tại các tỉnh: Nghệ An, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, thông qua các hoạt động kết nghĩa bản - bản, đồn, trạm biên phòng hai bên biên giới, BĐBP các tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng của bạn triệt phá hàng nghìn vụ án, chuyên án vận chuyển, buôn bán ma túy, thu giữ hàng trăm ki-lô-gam hê-rô-in, gần hai triệu viên ma túy tổng hợp... góp phần “hạ nhiệt” các điểm nóng ma túy dọc đường biên.

Thực hiện mục tiêu kép

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, không ít người lợi dụng đường mòn, lối mở vượt biên trái phép, trốn cách ly... Trước tình hình đó, BĐBP tỉnh Nghệ An đã thành lập 56 chốt cố định và 11 chốt cơ động tại các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Trung tá Trịnh Văn Quế, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An) cho biết: Đồn đã lập sáu chốt canh phòng, thông qua tai mắt của người dân ở những bản kết nghĩa, phối hợp tuần tra kiểm soát với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, Đồn Biên phòng Nậm Cắn đã phát hiện 31 vụ, 63 người xuất nhập cảnh trái phép trong dịp có dịch Covid-19. Tại tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng BĐBP duy trì 25 tổ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên dọc tuyến biên giới dài 164,4 km giáp với nước bạn Lào để ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19. Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa) cho hay: BĐBP tỉnh Thanh Hóa cùng lực lượng chức năng ở Na Mèo đã tiếp nhận, cách ly y tế 1.248 người; phát hàng nghìn khẩu trang, nước sát khuẩn cho nhân dân, lực lượng tại cửa khẩu...

Thời gian qua, tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền trung và miền nam của Lào, khiến đời sống của nhân dân cũng như các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới gặp nhiều khó khăn. Đầu tháng 12 vừa qua, với tinh thần “chia ngọt, sẻ bùi”, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), thừa ủy quyền của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trao 75 tấn gạo, trị giá 1,5 tỷ đồng tặng Cục BĐBP, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Lào; Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, Bộ An ninh Lào nhằm khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Tỉnh Sơn La có 274 km đường biên tuyến biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào trước đây là điểm nóng về hoạt động tội phạm buôn bán ma túy qua biên giới. Thượng tá Phạm Thái Hòa, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: Để thực hiện tốt công tác trấn áp tội phạm buôn bán ma túy qua biên giới, 10 đồn biên phòng của Sơn La thực hiện kết nghĩa với ba đại đội biên phòng của bạn, xây dựng quy chế phối hợp, tuần tra song phương và giao ban hằng tháng, quý và năm. Riêng năm 2020, do dịch Covid-19 nên một số hoạt động bị cắt giảm, nhưng công tác thông tin trao đổi công tác vẫn giữ vững, kịp thời. Trong năm 2020, BĐBP tỉnh Sơn La đã tiếp nhận 86 đơn thư tố giác tội phạm, phát hiện bắt giữ 137 vụ, 170 đối tượng, thu giữ 74 kg ma túy các loại. So với giai đoạn trước, tình hình tội phạm buôn bán ma túy bị trấn áp mạnh nên đã giảm so với trước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La từ kết nghĩa trực tiếp với hai tỉnh trực tiếp có biên giới là Hủa Phăn và Luông Pha Băng còn mở rộng kết nghĩa với sáu tỉnh khác ở Bắc Lào. Hằng năm, tỉnh Sơn La thực hiện hỗ trợ, trao tặng các công trình trường học, nhà văn hóa, công trình phúc lợi cho các địa phương Lào trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong ba năm qua, hàng trăm cán bộ, BĐBP, công an Lào đã được bồi dưỡng, nâng cao trình độ tại các cơ sở đào tạo của tỉnh Sơn La. Đây là nguồn nhân lực quan trọng giúp bạn củng cố, xây dựng chính quyền và thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới và giữa hai nước.

Nhằm giúp bạn giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 vừa qua, các địa phương dọc tuyến biên giới đều tổ chức trao tặng, hỗ trợ kịp thời các đồ dùng thiết yếu, lương thực, khẩu trang, thuốc men… Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An Trần Hải Bình cho biết: Tỉnh Nghệ An trao tặng các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay trang thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm trị giá 1,8 tỷ đồng. Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An (BĐBP tỉnh, quân sự tỉnh, công an tỉnh) và các huyện biên giới quyên góp kinh phí, vật chất giúp đỡ các tỉnh biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào trị giá hai tỷ đồng... Tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn máy thở, khẩu trang, nước sát khuẩn, dung dịch rửa tay… tổng giá trị một tỷ đồng, góp phần cùng bạn phòng, chống dịch Covid-19. Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trao tặng bạn bốn máy đo thân nhiệt, 3.000 khẩu trang y tế... Trước những diễn biến mới của dịch Covid - 19, các huyện, xã, bản và đồn kết nghĩa của Việt Nam tiếp tục hỗ trợ kịp thời lương thực, đồ dùng thiết yếu, vật dụng y tế... tặng các đơn vị kết nghĩa của Lào.

Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid - 19, gần như trong năm 2020 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đóng cửa. Toàn bộ hoạt động thăm thân, trao đổi hàng hóa, giao lưu qua lại biên giới bị nghiêm cấm. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch đã đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, những bất cập, hệ lụy từ việc đóng cửa biên giới đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con nhân dân hai bên biên giới. Đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: Qua khảo sát, đánh giá tình hình ảnh hưởng do dịch Covid -19, hiện nay hàng hóa hai bên biên giới đang chững lại, tồn kho rất lớn. Người dân bên Lào mong chờ dịch vụ, vật tư vật liệu, giống cây trồng từ Việt Nam. Ngược lại hàng chục nghìn tấn ngô thu hoạch từ tháng 10 đến nay vẫn chất đống trong kho chưa đưa sang Việt Nam tiêu thụ được, vì hàng hóa khu vực này chuyển vào nội địa Lào tiêu thụ gặp khó khăn. Trước tình hình nêu trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La cùng các địa phương dọc biên giới đang tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất chính phủ hai nước căn cứ tình hình thực tế khi việc phòng, chống dịch tạm ổn định có thể tranh thủ giao lưu, trao đổi hàng hóa, tháo gỡ khó khăn đời sống sản xuất cho nhân dân hai bên biên giới. Thực hiện tốt chủ trương vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế. Đó cũng là nguyện vọng, mong mỏi của bà con nhân dân vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Hơn 10 năm thực hiện phong trào kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, đã có 103 cặp bản ở dọc biên giới Việt Nam - Lào kết nghĩa. Trong đó, Nghệ An 21 cặp bản, Thanh Hóa 17 cặp bản, Điện Biên tám cặp bản, Sơn La bảy cặp bản… Thông qua hoạt động kết nghĩa, giao lưu, nhân dân hai bên đã tổ chức tuyên truyền hơn 6.300 buổi với hơn 400 nghìn lượt dân hai bên biên giới nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, các Hiệp định, Quy chế biên giới và pháp luật mỗi nước. Phối hợp tổ chức tuần tra 2.717 lần với hơn 20 nghìn lượt người tham gia...

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top