Du lịch Tủa Chùa

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

00:00 - Thứ Sáu, 31/07/2015 Lượt xem: 1038 In bài viết
ĐBP - Có hệ thống hang động, chợ phiên, bãi đá cổ, rừng thông, cảng sông Đà… huyện Tủa Chùa được đánh giá là huyện giàu tiềm năng về loại hình du lịch văn hóa và sinh thái, phản ánh đầy đủ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong vùng. Song đến nay, tiềm năng về du lịch trên địa bàn Tủa Chùa vẫn chưa được đánh thức để thực sự phát huy giá trị như vốn có.

Tiềm năng lớn

Được biết đến là huyện có tiềm năng về loại hình du lịch văn hóa và sinh thái, Tủa Chùa được coi như vùng đất duy nhất của tỉnh phản ánh đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Mông, thông qua cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ vậy mà còn hấp dẫn du khách bởi chợ phiên Xá Nhè và Tả Sìn Thàng, văn hóa ẩm thực và những sản phẩm đặc trưng gắn với địa phương như nhiều du khách từng đến Tủa Chùa vẫn nói “rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà, gà đi bộ, chè cổ thụ”.

Thành Vàng Lồng được công nhận là di sản văn hóa cấp tỉnh.

Đi dọc tỉnh lộ 129, từ ngã ba Huổi Loóng (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo), qua thị trấn Tủa Chùa, đến Sín Chải, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều nét văn hóa sinh hoạt của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Tủa Chùa. Nét độc đáo nhất ở Tủa Chùa có lẽ là chợ phiên. Là nơi du khách nào đến tham quan cũng muốn được trải nghiệm. Chợ phiên Tủa Chùa rất riêng không giống như ở bất cứ nơi nào khác. Ngoài phiên chợ tuần họp một lần vào ngày chủ nhật tại thị trấn thì đi đâu dân “phượt” cũng nhắc đến 2 điểm chợ nữa ở xã Xá Nhè và Tả Sìn Thàng. Cách thị trấn chừng 15km, chợ phiên Xá Nhè được tổ chức họp 6 ngày 1 phiên vào ngày Dậu (con gà) và ngày Mão (con mèo) theo lịch can chi. Ngày chợ phiên diễn ra, từ sáng sớm đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Phù Lá của các xã Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng, Mường Báng đã đổ về đây mua bán trao đổi hàng hóa. Chợ phiên Tả Sìn Thàng lại họp ngay ở thung lũng trung tâm xã, giữa bốn bề núi non trùng điệp và sương trắng bồng bềnh. Chợ có từ thời Pháp thuộc. Trải qua gần một thế kỷ, ban đầu với mái lá, cọc tre thì giờ chợ đã xây thành từng quầy, lát nền gạch, lợp ngói, tôn xanh đỏ. Từ bao đời nay, chợ phiên Tả Sìn Thàng không chỉ là chốn mua bán, tụ họp mà còn là ngày hội thực sự đối với những người dân nơi đây. Đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời nên không ai tất bật, vội vã… Cũng trên con đường liên xã phía Nam, phải kể đến là khu di tích thành Vàng Lồng cách xã Tả Phìn 1km. Vào khoảng năm 400 – 500, một người dân tộc Mông tên là Vàng Cáng sang lập nghiệp và khai hoang vùng đất này trở nên trù phú với hàng trăm người làm công. Để thể hiện quyền lực cũng như bảo về vùng đất của mình, ông cho xây dựng thành Vàng Lồng trong vòng 9 năm. Giời đây thành Vàng Lồng chỉ còn là phế tích song đã để lại một câu chuyện đầy hấp dẫn về Vàng Cáng cho mỗi ai khi tới thăm di tích này.

Tủa Chùa còn có thế mạnh về tiềm năng về du lịch sinh thái, đặc biệt là hang động Xá Nhè (được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đánh giá là động đẹp nhất Điện Biên). Động dài 700m, gồm 5 khoang lớn nhỏ khác nhau nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non, cây cỏ giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, mang lại cho du khách thăm động cảm giác khám phá nơi nguyên sơ đầy thú vị. Chưa hết, cách Tả Sìn Thàng chưa đầy 20 phút chạy xe máy, một cao nguyên đá trải dài cả cây số ở xã Sính Phình, hùng vĩ không kém cao nguyên đá Đồng Văn. Trên rừng đá tai mèo, một bờ rào đá trải dài như tường luỹ bảo vệ cho những ngôi nhà quanh bản. Người dân bản địa nói rằng, bức tường đá này được một gia đình giàu có người Mông xếp dựng từ rất lâu đời, họ chỉ biết khi họ được sinh ra thì đã có đá. Bồng bềnh giữa trời mây còn có rừng thông Trung Thu, với diện tích 47ha. Đây là khu rừng thông mọc tự nhiên với hàng vạn cây lớn, nhỏ tạo thành một khu du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn, phía dưới là những bản làng nằm ẩn mình trong sương. Tới đây du khách có thể đi bộ vãn cảnh để thả hồn với thiên nhiên vạn vật, với đất trời, sông núi. Đồng thời, tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc thiểu số và thưởng thức những món ăn truyền thống.

Đánh giá tiềm năng du lịch Tủa Chùa, ông Nguyễn Viết Điển, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện, cho hay: Có thể nói Tủa Chùa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng. Sở dĩ nói như vậy bởi nơi đây có hệ thống cửa sông Đà nối liền với lòng hồ thủy điện ở T.X Mường Lay và Pá Uôn, Quỳnh Nhai, Sơn La rất thuận tiện trong việc phát triển du lịch sinh thái và khám phá. Điều thuận lợi hơn cả là các điểm có tiềm năng khai thác du lịch đều nằm trên một tuyến đường, tạo thành một chùm tour liên hoàn và khép kín, không mất nhiều thời gian cho khách tham quan. Các bản tái định cư như: Huổi Tráng 1, Huổi Tráng 2 (xã Tủa Thàng) có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức đón khách theo mô hình homestay.

Du lịch trên sông Đà là hướng phát triển của huyện Tủa Chùa.

… Nhưng còn bỏ ngỏ

Đánh giá tính khả thi trong khai thác du lịch, thông qua chuyến khảo sát thực tế các tuyến điểm có tiềm năng du lịch tại Tủa Chùa, ông Hoàng Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch, cho biết: Khả năng xây dựng tour tổ chức và khai thác du lịch tại các tuyến điểm trên địa bàn huyện là rất lớn. Qua khảo sát thực tế tại huyện thời gian qua, Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch đã đề xuất cụ thể về hướng khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá và du lịch cộng đồng. Đây là loại hình phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn hiện tại. Kể cả với đối tượng là khách du lịch châu Âu, nội địa và châu Á thuộc nhóm discovery. Tiến tới xây dựng tour du lịch Tủa Chùa và lòng hồ Mường Lay sẽ tạo ra một chùm tour du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng T.X Mường Lay và dân tộc Mông tại huyện Tủa Chùa. Việc xây dựng tour tham quan Tủa Chùa sẽ làm tăng thời gian lưu trú của khách khi đến Điện Biên, đồng thời từng bước phát triển du lịch bền vững cho địa phương. Trong đó, chú ý về xây dựng tour: Điện Biên - Mường Lay - Tủa Chùa theo hình thức đường bộ và đường sông. Đối với tour du lịch T.X Mường Lay - Tủa Chùa khoảng, du khách có thể đi tàu 40km đến Tủa Chùa, sau đó xe đưa khách đi tham quan các điểm như: Hang động, chợ phiên Xá Nhè, bãi đá cổ Tả Phìn, di tích thành Vàng Lồng, chợ phiên Tả Sìn Thàng...

Mặc dù Tủa Chùa có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương và là  “đòn bẩy” phát triển kinh tế xã hội cho huyện, song mọi hoạt động du lịch gần như chưa có kể cả trong các nghị quyết của HĐND huyện cũng chưa quan tâm đến phát triển du lịch. Hiện nay, mặc dù đã được đầu tư tu sửa nhưng hệ thống giao thông đường bộ từ T.P Điện Biên Phủ qua huyện Tuần Giáo vào đến Tủa Chùa vẫn còn khó khăn. Để đến Tủa Chùa, du khách phải đi hơn 120km với ít nhất 4 giờ chạy xe. Cơ sở hạ tầng về du lịch còn thiếu, công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu điểm đến lại chưa được quan tâm.

Điều đáng quan tâm hiện nay là để xây dựng và hình thành các tour, tuyến du lịch, thì huyện Tủa Chùa cần xác định việc phát triển du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện. Để phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch, địa phương cần chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông tới các điểm tài nguyên du lịch và phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích, lập quy hoạch các điểm du lịch. Huyện cũng cần xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trọng tâm trên địa bàn để từ đó có hướng đầu tư, khai thác các tài nguyên hiệu quả và bền vững. Kết hợp với đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý về du lịch, nguồn lao động phục vụ du lịch tại các đơn vị kinh doanh, bản văn hóa, cán bộ văn hóa xã.r

Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top