Du lịch cộng đồng

Những trải nghiệm thực tế

00:00 - Thứ Sáu, 11/09/2015 Lượt xem: 921 In bài viết
ĐBP - Cùng với loại hình du lịch lịch sử, Điện Biên còn được ưu ái, ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nét văn hóa đa dạng, độc đáo của cộng đồng 19 dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi và thiết yếu để Điện Biên phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, hơn 10 năm, sau khi xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hoá thuộc huyện Điện Biên và T.P Điện Biên Phủ là: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông và Phiêng Lơi, Him Lam 2 (TP. Điện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Điện Biên). Các bản đều hoạt động theo mô hình chung, lập ra một đội từ 15 - 20 người chuyên hướng dẫn khách tham quan, phục vụ ẩm thực, văn nghệ và đảm bảo an ninh cho du khách. Khi có khách du lịch đến bản văn hóa để trải nghiệm, trưởng bản trực tiếp phân công người đón và phục vụ khách tại khu vực khuôn viên nhà văn hóa cộng đồng.

Món ăn của đồng bào dân tộc Thái.

Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa là điều kiện tốt để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhận thức được vấn đề này, tại các bản văn hóa được đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Không những thế, người dân còn tích cực chỉnh trang đường làng, ngõ xóm và khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống. Đối với văn hóa phi vật thể, các bản còn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt là phục dựng lại một số lễ hội truyền thống... Trước đây, đời sống kinh tế của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhưng nay đã được cải thiện đáng kể do biết cách làm du lịch cộng đồng dưới nhiều hình thức.

Ở các bản văn hóa, tiềm năng văn hóa phi vật thể cũng là thế mạnh để phát triển du lịch. Điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lễ hội của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó còn có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số như: Người Thái có các nghi lễ nông nghiệp trong năm: đón tiếng sấm đầu mùa, lễ cơm mới, lễ cúng ruộng, cúng nước, lễ cầu mưa... Trong đó, nổi bật là lễ Xên bản cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân được ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, người Thái còn có nhiều lễ hội điển hình khác như: Xên phắn bẻ (chém đầu dê), Kin Pang Then (cúng trời); Kin khúi (giải hạn)... Ở đồng bào dân tộc Mông cũng có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Lễ hội thường được tổ chức là Dù su, diễn ra vào ngày 27/7 hàng năm. Lễ Dù su được tiến hành nhằm xua đi những gì có hại cho dòng họ và mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với dòng họ trong năm tới. Bên cạnh đó dân tộc Mông còn có một số lễ hội đặc sắc khác như Khlăng khùa (lễ tạ ơn cha mẹ), Khe pê chầu, nau pê chầu (được tổ chức vào các cuộc vui xuân)...

Trong lần đến thăm bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) và bản Him Lam II (phường Him Lam, T.P Điện Biên Phủ), bản đồng bào dân tộc Thái, tôi và du khách có dịp tham gia các sinh hoạt thường ngày cùng người dân. Du lịch cộng đồng ở bản không chỉ nhìn, chỉ nghe mà còn trực tiếp tham gia các hoạt động. Nhiều người ngạc nhiên, thích thú khi được trực tiếp xuống ruộng cấy lúa hay đan lát, dệt những tấm thổ cẩm đầy màu sắc với bà con dân bản. Sau buổi trải nghiệm thú vị, không phân biệt khách du lịch nội địa, quốc tế hay người trong bản, mọi người đều ngồi quây quần thưởng thức những món ăn dân dã, mang hương vị núi rừng. Với hương vị khó quên, món ăn ở đây cũng mang đặc trưng của các dân tộc, được chế biến cầu kỳ như: cá nướng, thịt gói lá nướng, măng rừng. Và chẳng ai có thể quên vị cay cay đầu lưỡi mà chỉ có ở vùng Tây Bắc như: chẩm chéo, mắc khén... Trong không khí trong lành với không gian văn hóa đặc sắc, màn đêm dần buông xuống bên đống lửa bập bùng. Du khách không chỉ say bởi men rượu thơm nồng mà còn bởi lời hát, điệu xòe đặc trưng của những cô gái Thái.

Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay đối với ông Nguyễn Đăng Quang cũng như nhiều người làm du lịch khác là bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng ở Điện Biên vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Các bản đón khách du lịch đều là bản dân tộc Thái, dịch vụ trùng lặp (ẩm thực và văn nghệ), không có sản phẩm đặc thù cung cấp cho du khách. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện phát triển du lịch cộng đồng của cán bộ quản lý du lịch các bản còn nhiều lúng túng. Trải qua hơn 10 năm, nhiều công trình phục vụ cho loại hình du lịch cộng đồng đã xuống cấp, chưa được đầu tư, tu sửa… Để khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án Xây dựng bản văn hóa dân tộc giai đoạn đến năm 2015, trong đó lựa chọn thêm 10 bản văn hóa nằm trên các tuyến du lịch quan trọng của tỉnh gắn với các dân tộc Thái, Mông, Lào, Khơ Mú... tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà và T.P. Điện Biên Phủ. Sau khi được đầu tư xây dựng, các bản phấn đấu hàng năm đón và phục vụ 10 - 15% tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên. Cụ thể, năm 2015 đón khoảng 55 nghìn lượt khách, trong đó có 12 nghìn lượt khách quốc tế. Trung bình mỗi bản đón và phục vụ trên 4 nghìn lượt khách du lịch/năm (trong đó có khoảng 20% khách quốc tế). Đồng thời, tăng thời gian lưu trú của khách bình quân từ 1 - 1,2 ngày/lượt khách. Để đạt mục tiêu này, ngành Du lịch sẽ tập trung đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ việc đón khách tại các bản, khôi phục các nghề thủ công truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm, phục dựng các lễ hội truyền thống, đào tạo kỹ năng phục vụ khách cho đồng bào tại các bản.

Du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đang ngày càng được khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến và trở thành loại hình du lịch có thế mạnh. Để đạt được điều này, thì việc khai thác tiềm năng để phát triển loại hình cũng gắn với tạo cơ hội cho người dân làm chủ đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa. Đây là hướng đi đúng đắn không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho bà con tại các thôn, bản mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Trong điều kiện nguồn ngân sách chi cho hoạt động du lịch còn khá hạn chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, trong đó đã phối hợp với Dự án EU tổ chức tập huấn về du lịch có trách nhiệm cho các đối tượng học viên là cán bộ quản lý nhà nước, ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt còn có các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch với 104 học viên tham dự. Cơ sở dữ liệu cũng tiếp tục duy trì bổ sung thông tin về các điểm đến, tuyến, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch tỉnh.

Du lịch cộng đồng không thể định hình, định lượng mà du khách chỉ có thể cảm nhận khi được trực tiếp trải nghiệm. Đó là những phong tục, tập quán, nếp sống độc đáo, đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong tương lai không xa, du lịch cộng đồng sẽ còn phát triển, là loại hình được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn khi đến Điện Biên.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top