Du lịch Điện Biên

Chưa có cơ chế ưu đãi đặc thù

00:00 - Thứ Tư, 16/09/2015 Lượt xem: 1128 In bài viết
ĐBP - Thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, nhiều năm qua, ngành chủ quản có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho du lịch. Với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, 5 năm qua, nhiều công trình, dự án được xây mới, sửa chữa; nhiều hạng mục ở các điểm di tích được triển khai thực hiện phục vụ phát triển du lịch. 

Hệ thống lán trại và hệ thống đường mòn trong khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được tu sửa; sa bàn diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng tại Nhà Trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; một số hạng mục di tích kéo pháo, trận địa pháo được chỉnh trang, tôn tạo. Đặc biệt trong năm 2014, nhiều hạng mục quan trọng đã hoàn thành, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu, như: Dự án xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; bảo tồn, tôn tạo trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; cải tạo, nâng cấp tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng; chỉnh trang Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, giải tỏa mở rộng sân hành lễ khu quảng trường tượng đài… Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm “xã hội hóa du lịch”, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, khách sạn cao cấp. Nhờ đó đến nay toàn tỉnh có hơn 120 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 1.750 buồng; trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao; 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao; 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao. Nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm cũng được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, như: Siêu thị Hoa Ba, Him Lam Plaza được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách tham quan tại hầm Đờ - cát. Ảnh: Minh Thùy

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hạ tầng du lịch giai đoạn 2011 - 2015 rất hạn chế, ước đạt 100 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ hạ tầng du lịch của tỉnh khoảng 40 tỷ đồng). Tổng số vốn đầu tư quá ít so với nhu cầu thực tế cần đầu tư. Nguồn vốn của các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng chẳng mấy khả quan khi chỉ đạt 30 tỷ đồng/năm. Lý giải vấn đề này, ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Du lịch Điện Biên dù hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế song do suất đầu tư lớn trong khi chưa có nhiều sản phẩm du lịch để thu hút khách đến lưu trú dài ngày, do vậy thời gian thu hồi vốn sau đầu tư dài. Vấn đề, chưa có cơ chế ưu đãi đặc thù để phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch cũng làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư cho du lịch.

Tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển, ngày 12/8 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2933/KH - UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 92/NQ - CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đối với đặc thù tỉnh ta, thực hiện thành công kế hoạch còn rất nhiều việc cần làm để xây dựng du lịch Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách. Quan trọng là phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống có uy tín và sức cạnh tranh cao nhằm từng bước hình thành “thương hiệu” phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách; tạo môi trường du lịch thân thiện hơn, chuyên nghiệp hơn, để mọi người dân đều là khách du lịch. Cùng với đó là ban hành cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư để phát triển du lịch; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nghiên cứu xây dựng các chương trình tham quan mới, các sản phẩm, hoạt động du lịch mới nhằm thu hút du khách… Có như vậy, mới có thể đạt mục tiêu đón 870 nghìn lượt du khách (trong đó 220 nghìn lượt khách quốc tế), với tổng doanh thu dịch vụ du lịch 1.500 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2015.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top