Thuyết minh viên – Một nghề thú vị

00:00 - Thứ Tư, 16/09/2015 Lượt xem: 1708 In bài viết
ĐBP - Thuyết minh viên là nghề thú vị nhưng không ít nhọc nhằn, vất vả. Muốn gắn bó với nghề, ngoài sự chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức về lịch sử, xã hội, đòi hỏi người làm nghề phải tâm huyết, yêu nghề như chính cuộc sống của mình…

Trò chuyện với ông Vũ Nam Hải, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi được nghe nhiều về công việc của một thuyết minh viên, bởi chính ông là người từng gắn bó với nghề gần 10 năm. Ông nhớ lại những năm 1998, khi Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng và có tên: Bảo tàng Quân đội. Lúc ấy điều kiện kinh tế khó khăn, tiền lương “ba cọc ba đồng” nhưng ông vẫn gắn bó với nghề thuyết minh nên ông hiểu, nghề thuyết minh cần sự kiên nhẫn và phải không ngừng “làm mới” mình.

Thuyết minh viên kể cho du khách khu di tích Mường Phăng, huyện Điện Biên. Ảnh: Quang Long

Ông Hải kể: Có lần, tôi được phân đi thuyết minh cho một đoàn khách tại khu di tích Mường Phăng. Trời nắng, người mệt nhừ nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đến lúc về, đoàn khách rẽ ra ngã ba Nà Tấu, huyện Điện Biên về Hà Nội bỏ tôi giữa đường. Lúc đó thấy chạnh lòng  nhưng nghĩ vì nghề mình đã chọn, mình phải theo đến cùng... Ông Vũ Nam Hải còn kể tôi nghe nhiều chuyện “dở khóc dở cười” với anh chị em thuyết minh viên. Bởi nghề thuyết minh, mọi sinh hoạt không theo giờ giấc. Nhiều hôm thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, tết… mọi người được nghỉ nhưng nghề của mình thì vẫn phải làm, thậm chí còn vất vả hơn ngày thường.

Với ông Vũ Nam Hải, tình yêu nghề đơn giản là sự trân trọng lịch sử, yêu lịch sử dân tộc, niềm tự hào quê hương, muốn truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho du khách. Nhưng với thuyết minh viên Quàng Thị Kim Nhung, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền, tình yêu nghề là sự trải nghiệm, là sự chăm chú lắng nghe thuyết minh của khách tham quan làm cho chị hào hứng, hăng say. Và đôi khi, cái tên mà người ta thường gán cho nghề của chị “làm dâu trăm họ” lại cho chị cảm giác thích thú. Chị Nhung bắt đầu làm thuyết minh viên từ năm 2008, trước đó, chị là giáo viên Văn.

Khi hỏi lý do tại sao lại đổi nghề, chị Nhung chỉ cười bảo: “Gắn bó với nghề 7 năm nay, mình chưa một lần thấy hối hận vì thay đổi công việc. Có lẽ do duyên số chăng?”. Bản thân là một trong những người công tác lâu năm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chị Nhung luôn ý thức được vai trò của người thuyết minh, đó là phải diễn đạt truyền cảm, chính xác thông tin. “Làm thuyết minh viên như làm dâu trăm họ, mỗi khách tham quan có suy nghĩ, nhìn nhận riêng. Mỗi lần thuyết minh phải lựa chọn cách thuyết minh sao cho phù hợp với đối tượng tham quan”. Theo chị Nhung, thuyết minh viên phải mang đến cho du khách ấn tượng đẹp về di tích, về đất và người địa phương. Vì thế mà ngoài việc thuyết minh thông tin đến du khách, chị Nhung còn nghe và học hỏi từ nhiều kênh thông tin khác để mở rộng thêm hiểu biết, nghiên cứu tư liệu để thuyết minh phong phú, sinh động với người nghe.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top