Thu hút du khách bằng nghệ thuật truyền thống

00:00 - Chủ Nhật, 20/09/2015 Lượt xem: 1000 In bài viết
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;} Thúc đẩy du lịch thông qua các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống là một trong những giải pháp thiết thực được nhiều nước trong khu vực áp dụng. Những “đặc sản” văn hóa này được khéo léo biến thành điểm nhấn sản phẩm nổi bật trong lịch trình tua, tạo hứng khởi đặc biệt cho đông đảo du khách.

Không bỏ qua xu hướng này, gần đây, Việt Nam cũng đã quan tâm đến việc gắn kết sân khấu biểu diễn với phát triển du lịch. Một số chương trình, trung tâm biểu diễn nghệ thuật được hình thành để phục vụ du khách. Tuy nhiên, đến nay, sự gắn kết nêu trên mới dừng ở mức “mạnh ai nấy làm”. Tính tới thời điểm này, chỉ một số đơn vị hoạt động tương đối hiệu quả, như Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), sân khấu Múa rối nước Rồng Vàng (TP Hồ Chí Minh), Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế (Thừa Thiên-Huế); còn lại đa phần hoạt động manh mún, èo uột. Gần đây, du khách có thể lắng nghe những làn điệu chèo mượt mà, những âm hưởng ca trù sâu lắng tại những sân khấu chợ Đồng Xuân mỗi tối cuối tuần khi đến thăm phố cổ Hà Nội, hoặc tìm hiểu lối hát bài chòi khi đến với Hội An, hát bội ở Đà Nẵng. Song, những điểm biểu diễn này vẫn chưa “phủ sóng” rộng về mặt thời gian, địa điểm cho nên nhiều khi không thuận tiện để đưa vào lịch trình tua đã lên sẵn của khách du lịch.

Nước ta có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để có thể khai thác phục vụ du lịch. Đó là cả một đội ngũ những người làm sân khấu, những người có khả năng tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp; một lực lượng đông đảo nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên giàu lòng yêu nghề; một kho tàng di sản với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hát xoan, Đờn ca tài tử, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh... Tuy nhiên, việc biến những tiềm năng kể trên trở thành sản phẩm văn hóa đưa ra thị trường và có khả năng sinh lợi từ hoạt động du lịch, vẫn còn là cả một hành trình. Có lẽ vấn đề không nằm ở chỗ đơn vị biểu diễn hay đơn vị lữ hành chưa nhận thức được những lợi ích từ việc “bắt tay” nhau, mà bởi Việt Nam đang thiếu một “đầu tàu”, một hệ thống chính sách để kết nối giữa hai ngành. Thế nên, mối quan hệ này đến nay vẫn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong hợp tác. Nhiều hãng lữ hành đưa khách tới các đơn vị biểu diễn nhưng phải chịu giá vé như niêm yết, không chiết khấu, không giảm giá, trong khi mức giá mua tua trọn gói dành cho du khách không tăng nhiều, cho nên cuối cùng phải bỏ phần xem nghệ thuật ra khỏi lịch trình.

Rõ ràng, việc gắn kết hai hoạt động này là mối quan hệ lợi cả đôi đường. Du lịch nhờ nghệ thuật biểu diễn có thể thu hút thêm du khách. Ngược lại, nghệ thuật biểu diễn có thêm “đất” diễn và nguồn kinh phí để tiếp tục bảo tồn, phát huy; cải thiện đời sống nghệ sĩ. Đây còn là hình thức hiệu quả để giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam tới bạn bè năm châu. Bởi thế, sau một thời gian thử nghiệm, đã đến lúc hai ngành cần có sự phối hợp, đề ra những chiến lược hợp lý. Với loại hình sân khấu có thời gian diễn dài như tuồng, chèo, cải lương, cần có sự phân tích, chọn lọc, xây dựng những trích đoạn phù hợp, dễ chuyển tải để phù hợp với lịch trình của khách du lịch. Từ nhiều năm nay, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã sử dụng hình thức thuyết minh song ngữ Anh-Việt khi thể hiện tác phẩm. Đây được xem là cách làm thông minh trong thời kỳ hội nhập, giúp nghệ thuật rối nước dễ dàng tiếp cận và chiếm được tình cảm của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện với những loại hình nghệ thuật có đặc trưng ngôn ngữ riêng biệt, do đó khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, cần kết hợp biểu diễn với giới thiệu, quảng bá, thuyết minh bằng tờ rơi, áp-phích.

Trong mối liên kết giữa nghệ thuật biểu diễn và du lịch, cần xác định rõ: Dùng nghệ thuật để làm phong phú hơn lịch trình tua, từ đó thu hút du khách. Song song với việc nghiên cứu xây dựng nghệ thuật biểu diễn thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, các ngành chức năng cũng cần có biện pháp đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng như nhà hát, trung tâm biểu diễn cho đủ yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị để bảo đảm chất lượng biểu diễn. Đảng, Nhà nước ta đã xác định biến "công nghiệp không khói" trở thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hơn lúc nào hết, giờ đây cần tranh thủ tất cả những tiềm năng quốc gia để thúc đẩy du lịch phát triển; trong đó, nghệ thuật biểu diễn truyền thống chính là nơi thể hiện rõ nhất những tinh hoa dân tộc, là vốn quý cha ông để lại, cho nên không thể lãng phí.

Theo ND
Bình luận
Back To Top