Du lịch Điện Biên và mục tiêu ngành kinh tế “mũi nhọn”

00:00 - Thứ Ba, 13/10/2015 Lượt xem: 1663 In bài viết
ĐBP - Tại hội thảo du lịch 8 tỉnh Tây Bắc năm 2014 tổ chức tại tỉnh Điện Biên nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, văn hóa khẳng định: Điện Biên có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Dẫu còn nhiều khó khăn, song tin rằng với sự chỉ đạo sát sao, sự quan tâm đầu tư của tỉnh; nỗ lực tìm hướng phát triển của ngành chức năng; mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của Điện Biên sẽ sớm thành công…

Nhiều năm trở lại đây, ngành Du lịch Điện Biên đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Điều đó được thể hiện rõ qua con số khách du lịch đến Điện Biên và doanh thu du lịch hàng năm. Theo số liệu thống kê từ Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch): Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt trên 319.800 lượt, đạt 80% so với kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 57.800 lượt, đạt 82% kế hoạch năm. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 390 tỷ đồng, đạt 78% so với kế hoạch năm, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2014. Lý giải về sự giảm lượng khách mà tổng doanh thu từ du lịch lại tăng, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, cho hay: Mặc dù giảm về lượng khách song doanh thu từ hoạt động du lịch không giảm do nhu cầu mua sắm và sử dụng dịch vụ của khách du lịch ngày càng tăng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã được tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp đang kinh doanh lữ hành, trong đó có 1 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Toàn tỉnh có hơn 120 cơ sở lưu trú du lịch với trên 1.750 buồng. Trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 11 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao. Do đó, công suất sử dụng buồng phòng đạt khá cao, khoảng 55-65%, số ngày lưu trú bình quân của khách cũng đạt 2,3 ngày.

Đến Điện Biên, du khách không chỉ được tham quan các điểm di tích của chiến trường Điện Biên Phủ mà còn được mở rộng không gian du lịch tại các bản văn hóa, khu sinh thái và các điểm du lịch tâm linh. Đó là nét riêng của du lịch Điện Biên mà không phải nơi nào cũng có được.

Văn hóa dân gian chính là sự hấp dẫn khách du lịch cộng đồng. Ảnh: Hải Yến

Trong thời gian tới, cùng với sự phát huy nội lực, sức mạnh của các thành phần kinh tế, ngành Du lịch Điện Biên sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phuc vụ du lịch. Cùng với đó là, tích cực thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển các dự án, sản phẩm du lịch. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ, xây dựng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đồng bộ. Đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái và đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng của các dân tộc địa phương. Để làm được điều này, Điện Biên đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên tại các điểm di tích trọng điểm như: Đồi A1, hầm Đờ - cát, Nghĩa trang Liệt sỹ A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ... Song song với đó là đào tạo, định hướng cho các cơ sở dịch vụ du lịch cộng đồng, huy động tối đa nguồn lực từ các bản văn hóa tham gia vào du lịch cộng đồng. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được tăng cường, mở rộng liên kết hợp tác giữa địa phương với trung tâm du lịch trong nước, nghiên cứu phát triển các tour, tuyến, chương trình du lịch như: Du lịch văn hoá, tâm linh, cảnh quan, nghỉ dưỡng...

Theo ý kiến của đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì để du lịch Điện Biên thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, du lịch của tỉnh Điện Biên cần phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ để phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, xã hội hóa phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Tranh thủ các nguồn lực, phát huy giá trị tài nguyên du lịch góp phần phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với lợi thế về các loại hình du lịch lịch sử, cộng đồng, sinh thái và sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ, du lịch Điện Biên trở thành một trung tâm du lịch vùng Tây Bắc. Ngành du lịch tỉnh đang trên đà phát triển, trên con đường phấn đấu trở thành điểm du lịch có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hoá của 19 dân tộc anh em...

Dũng - Phương
Bình luận
Back To Top