"Chất riêng" cho du lịch Tây Bắc

00:00 - Thứ Sáu, 30/10/2015 Lượt xem: 1193 In bài viết
Tây Bắc là một trong những vùng có bản sắc văn hóa, đa dạng, phong phú nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không khai thác đúng cách, Tây Bắc dễ thành “nạn nhân” của du lịch thay vì biến ngành này thành kinh tế mũi nhọn thay đổi bộ mặt vùng.

Từ giác độ của các DN du lịch, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch ở Tây Bắc còn nhiều hạn chế nên nhiều điểm đến đẹp bị đầu tư manh mún, chắp vá, phá vỡ không gian, cảnh quan chung. Nhiều điểm du lịch nguyên sơ, hấp dẫn nhưng chưa được đầu tư và chưa tạo được sức hút với khách du lịch như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), cao nguyên Mộc Châu (Sơn La)…

Du lịch Hà Giang và thực tế manh mún, tự phát

Mặc dù kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Các cơ sở dịch vụ như cơ sở lưu trú, nhà hàng về cơ bản còn thiếu và chất lượng còn thấp. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác, phát huy hoặc chưa được nhận ra. Đó là câu chuyện của Hà Giang hiện nay.

Lượng khách du lịch lên Hà Giang vài năm trở lại đây tăng rất nhanh. Dù tỉnh cũng đã có đầu tư về cơ sở hạ tầng như làm đường giao thông lên Đồng Văn, Lũng Cú, Yên Minh, xây dựng một số khách sạn… tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Khi Hà Giang công bố tổ chức lễ hội Hoa Tam giác mạch, lượng người đổ lên Hà Giang tăng đột biến đã gây ra tình trạng cháy phòng, dịch vụ ăn uống, tắc đường, mọi thứ tăng giá chóng mặt…

Môi trường du lịch ở nhiều nơi bị suy giảm, vệ sinh ở các điểm du lịch còn nhiều vấn đề, tình trạng quá tải khách vào mùa cao điểm, lễ hội tại một số điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, khu di tích lịch sử đền Hùng,... Các khu vệ sinh, nhà hàng ăn uống đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh chưa được quan tâm đầu tư quản lý.

Việc phát triển các dự án thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ ở nhiều địa phương, tại nhiều vùng cảnh quan đẹp đã và đang phá hủy tài nguyên, cảnh quan, hệ sinh thái, môi trường du lịch và đang đặt ra nhiều hệ lụy về tính bền vững trong phát triển du lịch của các tỉnh Tây Bắc. Khu du lịch Bản Hồ (Sapa) biến mất do làm nhà máy thủy điện nhỏ là câu chuyện điển hình nhất của thực trạng này.

Nhiều khu du lịch có giá trị văn hóa như phố cổ Đồng Văn đã bị sửa sang, bê tông hóa khiến cho nét đặc sắc của nơi đây không còn. Phát triển du lịch quá “nóng” khi chưa được chuẩn bị về nhận thức, nghiệp vụ du lịch đã làm “hư” một bộ phận không nhỏ người dân Sapa, Đồng Văn. Họ bắt đầu biết chặt chém, đeo bám du khách, đòi tiền khi du khách muốn chụp ảnh cùng. Việc lượng khách Pháp giảm đáng kể ở Sapa chuyển sang Bắc Hà thời gian gần đây chính là dấu hiệu cảnh báo về sự "mất chất" của những điểm du lịch phát triển chưa quy củ.

Công tác quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch không tốt sẽ để lại nhiều hệ lụy cho phát triển du lịch ở địa phương.

Tìm đúng “chất” Tây Bắc

Rõ ràng, du lịch Tây Bắc có nhiều thế mạnh đặc thù, độc đáo không nơi đâu có, nhưng nếu không biết khai thác thế mạnh ấy làm nên sự khác biệt thì sẽ biến lợi thế thành bất lợi.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, Tập trung thu hút đầu tư, nâng cấp các cơ sở lưu trú hiện có, đồng thời xây dựng mới các cơ sở lưu trú theo hướng xây dựng các resort nghỉ dưỡng núi, các bungalow, nhà sàn,... theo đặc trưng của đồng bào dân tộc. Không nên đầu tư những khách sạn lớn, cao tầng ở các điểm du lịch khu vực vùng núi vì sẽ phá vỡ cảnh quan, đồng thời khách du lịch đến với các tỉnh vùng núi Tây Bắc chủ yếu là khách ưa khám phá, mạo hiểm, thích được lưu trú tại các cơ sở lưu trú mang dáng dấp kiến trúc địa phương và hài hòa với cảnh quan ở địa phương.

Với tiềm năng du lịch đa dạng về cảnh quan thiên nhiên (thác, rừng, cao nguyên, ruộng bậc thang), văn hóa (phong tục, nét sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ) các tỉnh Tây Bắc có thể hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đặc biệt là các chương trình du lịch thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa và lối sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc như thăm bản làng dân tộc, thăm chợ vùng cao, thăm ruộng bậc thang. Đây là nét văn hoá khác biệt để tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo đối với thị trường khách quốc tế.

Vì thế, nên xây dựng các tour đi bộ “trekking” và nghỉ đêm “homestay” tại các bản của đồng bào dân tộc nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc có nhiều cơ hội tham gia và hưởng lợi, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa giữa khách du lịch với đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho khách du lịch khám phá và trải nghiệm văn hóa, lối sống của đồng bào các dân tộc trong vùng.

Tây Bắc là khu vực còn nghèo, không có nhiều nguồn lực tài chính để đầu tư. Do đó, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, linh hoạt nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư thì việc lựa chọn có trọng điểm để đầu tư tập trung là hết sức cần thiết.

Đặc trưng giàu có về văn hóa này cũng đòi hỏi Tây Bắc vừa khai thác phát huy lợi thế đa dạng về bản sắc văn hóa để phát triển du lịch nhưng vẫn phải quan tâm nhiều tới bảo tồn truyền thống bản sắc tộc người. Nếu không giữ gìn bản sắc, Tây Bắc sẽ tự đánh mất lợi thế sự khác biệt – vốn là thứ có lực hút mạnh nhất với khách du lịch của mình. Câu chuyện chợ tình Sapa, chợ phiên Bắc Hà giờ chỉ còn trong các câu chuyện kể chính là minh chứng sống động nhất của sự mai một văn hóa.

Đặc trưng tự nhiên đã cho Tây Bắc nhiều lợi thế hiếm có, nếu tìm đúng “chất”, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành vùng du lịch độc đáo không chỉ ở tầm quốc gia.

 

Theo VGP News
Bình luận
Back To Top