Để hang động Xá Nhè phát huy hiệu quả

00:00 - Thứ Tư, 11/11/2015 Lượt xem: 1108 In bài viết
ĐBP - Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa theo thuyết vạn vật hữu linh, họ quan niệm vạn vật trong thiên nhiên đều có hồn do các vị thần cai quản như thần động, thần đá, thần rừng. Hang động Xá Nhè cũng được quan niệm có một vị thần cai quản, chính tín ngưỡng tâm linh này đã gắn với ý thức bảo vệ thiên nhiên, mọi người không lấy những viên ngọc trai, nhũ đá… ra khỏi hang động, vì vậy động còn là đối tượng nghiên cứu văn hoá phi vật thể.

Vài năm trở lại đây, lượng khách tới thăm hang động ngày càng nhiều, nhất là vào những ngày hè, tết. Vì chưa có người hướng dẫn, bảo vệ, quản lý nên khi vào tham quan một số người đã đập vỡ nhũ đá, khắc chữ lên tường thành, nấu ăn, vứt rác… khiến cho vẻ đẹp tự nhiên của hang động ít nhiều bị hư hại. Cần bảo vệ danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội nhằm phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng; giữ gìn, bảo tồn yếu tố gốc; phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Hang động Xá Nhè là tuyệt tác được tạo nên từ sự kết hợp của thiên nhiên, không gian, thời gian và ánh sáng… trải qua hàng triệu năm, sự vận động, bào mòn và những xung chấn của địa cầu. Nhằm bảo vệ, phát huy được lợi ích kinh tế, xã hội trong việc khai thác di tích phục vụ hoạt động du lịch cần quan tâm mấy vấn đề, đó là:

Du khách tham quan hang động Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Ảnh: Sầm Phúc

Tiến hành cắm mốc khoanh vùng, bổ sung vào di tích những yếu tố nhằm phát huy tác dụng của di tích như: Làm đường tham quan, xây dựng công viên vui chơi giải trí ngoài trời, tạo công viên xanh, trồng cây xanh lưu niệm, vườn hoa, thảm cỏ... Tạo lập cho di tích những điều kiện hạ tầng, cơ sở kỹ thuật, dịch vụ văn hoá - du lịch hỗ trợ tại chỗ theo nhu cầu của du khách như: Các mặt hàng lưu niệm văn hoá, phục vụ giải khát và các món ăn nhanh phù hợp với tính chất của di tích để khách tham quan có điều kiện lưu lại di tích lâu hơn.

Lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo trong toàn bộ khu vực hang động, có thể đặc tả một số tiểu cảnh bằng một số loại đèn đặc biệt, đặt các điểm thu gom rác thải dọc các tuyến đường và tổ chức thu gom hàng ngày bằng các phương tiện chuyên dụng. Phát triển du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên, nghỉ dưỡng hướng tới thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.

Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hoá cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tờ gấp, sách hướng dẫn, mạng internet. Tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, để mọi người dân thấy được tầm quan trọng, giá trị của các di tích, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ di tích, môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng.

Nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại điểm di tích, tăng cường đào tạo trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách, tổ chức việc đón tiếp khách, giới thiệu, trưng bày và tổ chức các sự kiện. Đây chính là yếu tố, cầu nối quan trọng giữa di tích với khách tham quan, làm cho di tích sống động, hấp dẫn hơn bằng những thông tin quan trọng, bổ ích.

Thiên nhiên đã ban tặng cho xã Xá Nhè vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng, núi non trùng điệp, xen kẽ những dãy ruộng bậc thang với con suối, những thung lũng, bản làng thanh bình. Những nếp sinh hoạt truyền thống chứa đựng một nền văn hóa độc đáo như dệt thổ cẩm, uống rượu Mông pê… những tiếng khèn môi gọi bạn tình của các chàng trai, cô gái như lay động cả núi rừng… Du khách trải bước trong hang động được ví như cõi “bồng lai tiên cảnh”, khám phá vẻ đẹp bí ẩn của “lâu đài” thạch nhũ, cảnh quan hùng vĩ thêm say đắm lòng người.

Nguyễn Hữu Điển

(Phòng Văn hóa và Thông tin Tủa Chùa)

Bình luận
Back To Top