Đất nước - Con người

Độc đáo kiến trúc Tháp Bà Ponagar

00:00 - Thứ Sáu, 19/02/2016 Lượt xem: 3566 In bài viết
ĐBP - Là quần thể kiến trúc đặc trưng thuộc nền văn hóa Chăm Pa và là một trong những tháp có quy mô lớn ở khu vực miền Trung, Tháp Bà Ponagar tọa lạc ngay bên bờ sông Cái, thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Tháp Bà Ponagar là công trình kiến trúc đền tháp độc đáo và tiêu biểu của đồng bào dân tộc Chăm xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII.

Tháp được xây bằng gạch và trang trí nghệ thuật bằng các chất liệu đá - gốm. Tổng thể kiến trúc của Tháp Bà Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1m và cao hơn 3m. Hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ và thấp hơn. Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ. Nơi đây được sử dụng làm sân hành lễ vào những ngày lễ trọng đại của người Chăm. Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc.


Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23m, là Tháp Ponagar. Tháp chính còn được gọi là dinh Bà, thờ nữ thần Ponagar; tháp giữa (dinh Ông); tháp phía Đông Nam là dinh Cố và tháp phía Tây Bắc  là dinh Cô, Cậu. Đây là không gian chính để tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội trong khuôn viên quần thể Tháp.

Tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở) là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa với sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Bên trong là tượng nữ thần cao 2,6m, tạc bằng đá hoa cương mầu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề... Những đường nét trên thân hình tượng chắc, khoẻ, sống động, hai bầu ngực căng tròn đầy sức sống và những nếp nhăn ở bụng tưởng như đang phập phồng theo hơi thở. Nữ vương Po Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Inu Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm, không có quần áo, nhưng đến nay đã được Việt hoá, nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật giáo. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi... Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên. Nhờ nét độc đáo kiến trúc này mà Tháp Bà Ponagar Nha Trang đã thu hút nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng.

So với các công trình đền, tháp Chămpa khu vực miền Trung, quần thể di tích Tháp Bà được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là còn giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo và tương đối hoàn chỉnh. Đã có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến đây khảo cứu, tìm hiểu về cách xây những viên gạch thành những quần thể độc đáo và vững chắc. Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, năm 1979 quần thể Tháp Bà Ponagar Nha Trang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ văn hóa, thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị nhân văn đặc sắc của kiến trúc xây dựng cũng như vốn quý văn hóa của dân tộc Chămpa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

B.N (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top