Hướng phát triển cho du lịch biển đảo Việt Nam

00:00 - Thứ Tư, 24/02/2016 Lượt xem: 3568 In bài viết
Du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Về mặt hành chính, 28 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư ở nước ta là các địa phương có biển, với diện tích tự nhiên là 126.747km2, dân số (năm 2010) là 37,2 triệu người, bằng 38,2% diện tích tự nhiên và 41,1% dân số cả nước.

Việt Nam có hơn 3.400 km đường bờ biển và hàng nghìn đảo, những bờ cát trắng tinh, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo nhiệt đới quanh năm tươi tốt, những rặng san hô lộng lẫy, vô số hải sản tươi ngon mang đậm bản sắc của từng vùng, cùng nhiều danh thắng di sản du lịch thế giới. Lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển, đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa - lịch sử.

 

Biển đảo từ bao đời nay không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những "vỉa tầng" di sản văn hóa dày dặn, đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... mà cộng đồng cư dân biển đảo miền trung đã gây dựng, phát triển và bảo lưu từ bao đời nay. Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định bảy khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong số đó đã có tới năm khu vực là thuộc dải ven biển. Mặc dù cho đến nay, nhiều tiềm năng đặc sắc của du lịch biển, đặc biệt là hệ thống đảo, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chưa được đầu tư khai thác một cách tương xứng, cho dù ở dải ven biển hiện đã có tới 70% các khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48-65% lượng khách du lịch.

Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch Việt Nam. Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội dải ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu người trong độ tuổi lao động và góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong 5 năm tới: tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đặc biệt, liên quan trực tiếp đến định hướng phát triển ngành du lịch, Báo cáo chỉ rõ: “Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập…

Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, như: du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin…

Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế… Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo… Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo…”.

Nói cách khác, có thể thấy, trong giai đoạn hội nhập với tầm mức cao hơn rất nhiều tới đây của đất nước, ngành du lịch tiếp tục được xác định là ngành kinh tế - dịch vụ tổng hợp mũi nhọn, cần tập trung phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu, với chủ yếu theo chiều sâu, theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo; hình thành một số trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Những điểm nhấn nổi bật trên đây trong phát triển du lịch Việt Nam mà Dự thảo đưa ra là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, có cơ sở khoa học, chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn cả trong nước và nước ngoài, có tính khả thi cao. Vì vậy, cần được các cấp, ngành địa phương quán triệt sâu sắc và thể hiện cụ thể trong cả nhận thức, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch và tổ chức hành động cụ thể của mình trong thời gian tới.

Phát triển du lịch biển đảo là một định hướng ưu tiên mới và hết sức quan trọng trong thời gian tới, gắn với tài nguyên du lịch biển đảo phong phú của đất nước và cả nhu cầu bảo vệ an ninh, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đặc biệt, cần thấy rằng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch, nhất là du lịch biển đảo, không có nghĩa là để mặc các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước phát triển du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm, nhắm mắt chạy theo mục tiêu trước mắt và cạnh tranh thiếu lành mạnh, bất chấp những lợi ích chung về môi trường, tài nguyên, hình ảnh, thương hiệu du lịch và nhất là yêu cầu phát triển bền vững và an ninh quốc gia. Ngược lại, thực tế đã, đang và sẽ tiếp tục đòi hỏi sự phối hợp phát triển đồng bộ các dịch vụ liên quan, nhất là vận tải, an ninh, y tế và thông tin liên lạc hiện đại, chất lượng cao, cũng như đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị tổ chức du lịch, với chính quyền các cấp và các ngành quân đội, công an, ngoại giao… để tạo lập và phát triển những sản phẩm du lịch và cả những trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế chất lượng cao, góp phần tích cực cho khẳng định chủ quyền, phát triển kinh tế biển đảo, tô nhấn và tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong con mắt du khách quốc tế.

Phát triển du lịch biển đảo và hiện đại ngành du lịch nói chung cũng cần chú ý tới không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng cứng hiện đại, đồng bộ, cơ cấu sản phẩm du lịch phong phú, cập nhật và đặc sắc, mà còn cần quan tâm phát triển các giá trị văn hóa mềm trong ngành du lịch mang thương hiệu Việt Nam, từ logo, slogan, đến các câu chuyện mang “hồn cốt” văn hóa và lịch sử được xây dựng và toát lên từ những tài nguyên và sản phẩm du lịch, cũng như các quy định liên quan đến trang phục, ngôn ngữ, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, để sớm đưa chủ trương và nghị quyết Đảng vào cuộc sống, Dự thảo cũng cần xác định rõ hơn quyết tâm chính trị và yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, ngành, cơ quan và địa phương liên quan, nhằm đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường đầu tư, “mở cửa” rộng và nhanh hơn cho phát triển du lịch quốc tế, nhất là du lịch biển đảo…

Có thể nói, cùng với Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ tới, tinh thần Dự thảo như phân tích trên đây là sự tiếp tục nhất quán và tiếp thêm động lực phát triển mới, mạnh mẽ, đúng đắn và hiệu quả cao hơn cho ngành du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới…

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top