Làm gì để phát huy giá trị các điểm du lịch?

00:00 - Thứ Sáu, 26/02/2016 Lượt xem: 1613 In bài viết
ĐBP - Để phát triển KT-XH, mỗi địa phương phải biết phát huy nguồn lực, trong đó có nguồn lực về du lịch. Điện Biên, vùng đất của văn hóa, lịch sử, dân tộc – đây chính là những tài sản vô giá. Nếu biết gìn giữ, phát huy tốt sẽ là hàng hóa đặc biệt mang lại nguồn thu đáng kể cho du lịch địa phương. Đồng thời, là phương thức tuyên truyền, quảng bá nhanh nhất, hiệu quả cho các giá trị mà địa phương nắm giữ. Song thực tế, xung quanh mối quan hệ 2 chiều này còn nhiều việc đáng bàn với câu hỏi “Làm gì để phát huy giá trị các điểm du lịch?”.

Có lẽ, khi nhắc đến Điện Biên, ai cũng biết đến quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, trong đó có: Bảo tàng, Đồi A1, hầm Đờ cát, Sở Chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng… nghe tiếng của các danh lam thắng cảnh được xếp hạng, như: Động Pa Thơm; hang động Chua Ta, Xá Nhè; tháp Mường Luân… cùng rất nhiều lễ hội, phong tục dân gian (Xên Mường Then, Lễ hội Hoa ban, đền Hoàng Công Chất, đua thuyền đuôi én TX. Mường Lay, Kin Pang Then…), nghề truyền thống… nằm rải rác khắp các địa phương trong tỉnh. Thế nhưng, để trả lời cho câu hỏi, những giá trị gắn liền với địa điểm, vùng miền này đã được khai thác và phát huy đúng với tiềm năng vốn có chưa, thì câu trả lời sẽ là chưa. Đó là lý do, con số khách du lịch mà địa phương đón tiếp mỗi năm còn khá khiêm tốn (năm 2015 đạt hơn 300 nghìn lượt người); du lịch mang tính thời vụ (tập trung chủ yếu vào tháng 3 và tháng 5); và số ngày lưu trú của du khách tại Điện Biên cũng còn hạn chế.

Bằng nguồn vốn xã hội hóa hiện nay một số hiện vật ngoài trời thuộc di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã được lắp hệ thống mái che để bảo vệ trước ảnh hưởng của mưa gió.

Thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay các chính sách của cả Trung ương lẫn địa phương về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc không ít, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các chiến lược phát triển văn hóa, du lịch… Về phía tỉnh, chúng ta có nghị quyết chuyên đề về “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng bộ tỉnh… Vậy lý do vì sao việc phát huy các giá trị hiện có để phục vụ phát triển du lịch của địa phương vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn? Vấn đề này, đã được đánh giá cũng như đem ra bàn thảo tại rất nhiều cuộc họp, nghiên cứu, trao đổi của ngành Văn hóa, các chuyên gia về văn hóa. Mới đây nhất, tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2016, Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa – Thể Thao & Du lịch) cũng có tham luận nghiên cứu rất sâu về nội dung này. Bà Trần Minh Thư, Trưởng phòng Di sản văn hóa đã thẳng thắn nhìn nhận rõ những điểm còn tồn tại, trong đó có nhiều vấn đề hạn chế liên quan đến thực trạng, công tác quy hoạch, cũng như gắn kết các điểm du lịch trên địa bàn.

Đến thời điểm này, Điện Biên đang nắm trong tay 18 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là Chiến trường Điện Biên Phủ, bao gồm 45 điểm di tích thành phần - đây là điểm nhấn và có triển vọng rất lớn để khai thác, phát triển du lịch địa phương. Cùng với đó là hơn 8.500 hiện vật lịch sử, dân tộc...; gần 700 di sản văn hóa phi vật thể, thuộc 7 loại hình (tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian)... Những năm qua, bằng sự nỗ lực, chính quyền địa phương cũng như ngành Văn hóa đã có nhiều hoạt động nhằm tôn tạo và phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có này để phục vụ cho du lịch. Đến năm 2015, ngành Văn hóa đã hoàn thiện công tác rà soát, kiểm tra, hoàn thiện lý lịch cho 23 điểm di tích, đồng thời được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt công nhận bổ sung vào Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; tiến hành cắm mốc, đặt bia đối với 3 di tích (Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại hang Huổi He, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Lai Châu và Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân tại Mường Phăng); huy động các nguồn lực đầu tư để trùng tu, tôn tạo cho 5 di tích thành phần của di tích chiến trường Điện Biên Phủ... Nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với nhiều địa điểm. Thông qua đó, nâng tầm cho các di tích, phục vụ phát triển du lịch; đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ di tích của mỗi người dân địa phương.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, bằng sự nỗ lực rất lớn của những người làm văn hóa địa phương, đến nay có 4 di sản (Nghệ thuật Xòe Thái, lễ hội Kin Pang Then, lễ hội đền Hoàng Công Chất, tết Nào Pê Chầu) đã được đưa vào danh mục quốc gia; 35 di sản đang xem xét lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục quốc gia; tư liệu hóa 18 lễ hội dân gian; kiểm kê 8 dân tộc; xuất bản 9 đầu sách, sản xuất 14 bộ phim giới thiệu về văn hóa…

Tuy nhiên, ngay trên chính những con số thống kê kể trên cũng cho thấy số lượng còn rất ít ỏi so với thực tế. Mặt khác, những kết quả kể trên phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục quốc gia, cũng như công bố chứng nhận di sản cấp quốc gia, chứ chưa đưa vào khai thác, hoặc chưa phát huy được hết giá trị để phục vụ du lịch. Hiện có 2/18 di tích đang được khai thác, phát huy tốt; trong đó riêng di tích Chiến trường Điện Biên Phủ mới chỉ phục vụ tham quan chủ yếu tại 7/45 di tích thành phần. Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch mặc dù được công nhận, xếp hạng quốc gia, song vẫn giao cho cấp xã quản lý, nên công tác trông coi, bảo vệ cũng như khai thác phát triển du lịch còn hạn chế.

Với những kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, tâm huyết dành cho lĩnh vực văn hóa, bà Trần Minh Thư cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay chính là đầu tư tôn tạo, tu bổ và phục hồi các điểm di tích trước sự xuống cấp do tác động của bên ngoài và sự thiếu đồng bộ trong xây dựng trước đó. Để có kinh phí đầu tư, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương thì việc huy động, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa từ các đơn vị, cá nhân cũng được xem là giải pháp quan trọng. Về giải pháp chủ quan, đó là cần sự nghiêm túc, tập trung trong việc xây dựng “thương hiệu” cho du lịch, thông qua các hình thức nâng cao chất lượng phục vụ, sức hấp dẫn của các điểm du lịch, tạo dựng mối liên kết giữa các điểm du lịch với nhau và với các dịch vụ quà lưu niệm, nhà hàng, tham quan bản văn hóa, nghề truyền thống, trình diễn nghệ thuật dân gian, ẩm thực dân tộc... Đối với mỗi địa phương có các điểm du lịch, trên hết vẫn là sự chủ động trong việc ưu tiên, quan tâm phát huy, cũng như khai thác giá trị các điểm du lịch trên địa bàn.

Nói cách khác, đó chính là sự chung tay, phối hợp chặt chẽ và vào cuộc nghiêm túc của không chỉ ngành Văn hóa, chính quyền mà toàn thể nhân dân địa phương, bằng những việc làm cụ thể vừa bảo vệ vừa phát huy, để giá trị quý báu từ những điểm du lịch chúng ta đang nắm giữ không những không bị hoài phí mà còn được khai thác một cách khoa học, phục vụ cho sự phát triển của nền du lịch thực sự có chất lượng trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top