Gỡ khó cho du lịch Điện Biên

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 2899 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, ngành du lịch Điện Biên đã đạt được những thành tựu đáng kể, trở thành ngành mũi nhọn có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, du lịch tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Bởi thế, những giải pháp được đưa ra trong Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên” được kỳ vọng sẽ gỡ khó rất nhiều cho du lịch Điện Biên.

Là tỉnh có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch, “thương hiệu” Điện Biên Phủ đã nổi tiếng và trở thành điểm đến lý tưởng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2015 du lịch Điện Biên đón trên 420 nghìn lượt khách (trong đó, 70 nghìn lượt khách quốc tế), tăng xấp xỉ 1,4 lần so với năm 2010; thu nhập từ du lịch đạt trên 550 tỷ đồng; hoạt động du lịch, dich vụ thu hút được nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần tạo việc làm cho trên 11,5 nghìn lao động. Theo kết quả đánh giá của Tổng cục Du lịch, du lịch Điện Biên đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng, 33/63 tỉnh, thành cả nước về khách du lịch quốc tế; 56/63 tỉnh, thành cả nước về khách nội địa; đứng thứ 8/14 trong vùng và 38/63 tỉnh, thành cả nước về tổng thu từ du lịch.

Du khách mua hàng tại quầy trưng bày sản phẩm du lịch Điện Biên trong “Lễ hội Hoa ban”.

Với những lợi thế sẵn có Điện Biên đã nỗ lực xây dựng thành công một số sản phẩm du lịch đặc trưng, như: Du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng và kháng chiến, du lịch cộng đồng và du lịch lễ hội... Các tour du lịch cũng đã hình thành và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay như: Hà Nội - Điện Biên (bằng máy bay), tour du lịch ngắm hoa ban, Hà Nội - Tây Bắc... Thời gian qua Điện Biên đã xây dựng và phát hành một hệ thống ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch khá phong phú. Trong đó, phải kể đến cuốn cẩm nang du lịch Điện Biên (song ngữ Anh - Việt, Việt - Thái), tập gấp du lịch, tờ rơi, bưu ảnh du lịch… lô gô tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, quảng cáo trên Website...

Với phương châm “nhìn thẳng nói thật” nhìn nhận và có đánh giá xác đáng về thực trạng du lịch Điện Biên, tại Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên” tổ chức ngày 14/3 vừa qua tại thành phố Điện Biên Phủ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Du lịch Điện Biên mặc dù đã có bước phát triển vượt bậc, nhưng vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Từ hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đồng bộ, khả năng tiếp cận thị trường của một số đơn vị lữ hành còn hạn chế, công tác quảng bá xúc tiến du lịch tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu...

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2015 toàn tỉnh có 120 cơ sở lưu trú du lịch; 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao. Từ đó cho thấy, cơ sở vật chất, hạ tầng và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chưa đáp ứng nhu cầu xã hội hóa du lịch, đặc biệt là khách du lịch lưu trú dài ngày. Hơn nữa sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, thô sơ. Chính vì vậy, dù bức tranh giàu tiềm năng, phong phú, đa dạng về tài nguyên du lịch nhưng Điện Biên vẫn chưa phát triển xứng tầm cả về quy mô và tính chất, sức cạnh tranh chưa cao so với các vùng khác trong cả nước.

Trong khuôn khổ hội thảo đã có nhiều ý kiến tâm huyết, rút ra từ thực tế cách làm du lịch rất hiệu quả ở những tỉnh thành khác để qua đó từng bước “gỡ khó” cho du lịch Điện Biên. Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh “TP. Hồ Chí Minh và Điện Biên có những nét tương đồng về sản phẩm du lịch gắn liền với lịch sử. Điện Biên có nhiều địa danh lịch sử lưu giữ chiến tích năm xưa, như: Đồi A1, C1, D1, cứ điểm Hồng Cúm, đồi Độc lập, Nghĩa trang liệt sỹ A1... Tất cả được quy tụ thành một cụm di tích liên hoàn như một bức tranh gợi lên khung cảnh cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ vừa sống động, vừa sâu lắng về một chiến dịch lịch sử vẻ vang được lưu lại bằng hình ảnh hiện vật. Vì vậy, cần tạo dấu ấn trong lòng du khách bằng những sản phẩm mang tính đặc thù, có ý nghĩa, biểu tượng về mọi mặt như hình tượng: Anh bộ đội cụ Hồ, chiến sỹ Điện Biên kéo pháo, xe đạp thồ... Từ đó, tạo ra “thương hiệu” và nét riêng biệt của du lịch Điện Biên”.

Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng ăn uống, khu vui chơi, giải trí mà mua sắm còn thiếu và nhỏ, chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương; chưa có những cơ sở quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chất lượng lao động nói chung còn thấp, phần đông là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch hiện nay. Hơn nữa dù giàu tiềm năng về du lịch và đã xác đinh du lịch là một trong những thế mạnh của nền kinh tế địa phương song đội ngũ thuyết minh viên còn quá mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Để xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, dưới cái nhìn tổng thể, khách quan của những người làm du lịch dày dặn kinh nghiệm thì Điện Biên cần nỗ lực nắm bắt xu thế để biến tiềm năng thành thế mạnh du lịch ngoài chú trọng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thì xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch là vấn đề thiết yếu.

Với những vấn đề cốt lõi đặt ra, nhất là với ý kiến đóng góp thiết yếu của các nhà làm du lịch tại hội thảo vừa rồi sẽ giúp ngành chức năng và các công ty lữ hành sẽ có cái nhìn xác đáng hơn và đưa ra những giải pháp đồng bộ, thiết thực để du lịch Điện Biên thực sự phát triển xứng tầm.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top