Đất nước – Con người

“Con rồng, cháu Tiên”

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 2011 In bài viết
ĐBP - Truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” ra đời cách đây hơn 3.000 năm trước Công nguyên, khẳng định được không gian tồn tại của một nhà nước Văn Lang độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Về thời đại Hùng Vương, kể có hàng trăm truyền thuyết và các truyền thuyết đều đã đi vào tâm hồn người dân Việt Nam, như những bản anh hùng ca bất khuất, tuyệt vời. Từ Kinh Dương Vương, đến An Dương Vương, rồi Lạc Long Quân và Âu Cơ, đến những câu chuyện cổ tích hấp dẫn và lý thú: Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, bánh chưng, bánh dày, trầu cau, dưa hấu... Cũng theo truyền thuyết, vua Thục Phán đã long trọng đặt hòn đá thề trên đền Hùng, nguyện nối nghiệp vua Hùng giữ gìn giang sơn gấm vóc. Hai Bà Trưng cũng đã đến đây làm lễ tế Tổ tiên xin rửa sạch hận nước thù nhà, giành lại bờ cõi non sông.

Để chứng minh cho một thời đại có thật trong lịch sử, các nhà khoa học đã dày công tìm kiếm những di chỉ khảo cổ học tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển văn hoá của nhà nước Văn Lang. Hiện nay, Nhà Bảo tàng Hùng Vương đang lưu giữ hơn 3.000 hiện vật, trong đó có hơn 700 hiện vật gốc, có trống đồng Hêgơ I phát hiện tại xã Hy Cương và trống đồng Tân Long (đều ở tỉnh Phú Thọ). Đây là những chiếc trống đồng lớn nhất tìm thấy ở nước ta. Ngoài ra, tại Việt Trì, nơi đầy ắp các địa danh ghi dấu thời các Vua Hùng dựng nước, như: Lân Thượng, Lân Hạ, Kẻ Lú, Kẻ Trầu, Kẻ Xoan, Kẻ Vi, Kẻ Trẹo... Trong đó có những thần tích, gia phả, nghi thức lễ hội... chuyện các Vua Hùng dạy dân trồng lúa, đi săn, rồi chuyện rước chúa Ngọc Hoa (con gái Vua Hùng) về nhà chồng là Tản Viên; đến chuyện Mẹ Âu Cơ đẻ 100 trứng, nở ra 100 người con trai... Thư tịch nhà Đường (Trung Quốc) có ghi: “Đất Giao Chỉ rất phì nhiêu, nhiều dân di cư đến đó, họ là những người đầu tiên khai phá nơi đây. Đất đen và bốc hơi mạnh. Lúc bấy giờ những cánh đồng đó người ta gọi là Hùng điền và dân là Hùng dân. Có một ông chúa gọi là Hùng Vương...”.

Tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ 18 đời Vua Hùng cùng các thần: Núi Đột Ngột, Cao Sơn, Ất Sơn, Viễn Sơn... các con gái của Vua Hùng là Mỵ Nương, Tiên Dung và Ngọc Hoa ở đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Sau khi bị giặc Minh xâm lược tàn phá đền Hùng (1407 - 1427), nhân dân ta lại tiếp tục sửa chữa, tu bổ, tiếp nối truyền thống dâng hương lên Đức Quốc Tổ. Đến đời nhà Lê, nhân dân xã Hy Cương được triều đình giao nhiệm vụ cúng tế ở đền Hùng và miễn không phải đi phu đi lính. Triều đình còn cấp cho xã 500 mẫu ruộng từ Tuyên Quang, Hưng Hoá đến Việt Trì để lo việc đèn nhang. Trải qua các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần hàng năm đều có ngày giỗ Tổ. Đến đời nhà Nguyễn có quy định mới là 5 năm tổ chức một lần hội chính. Năm đó có đại diện triều đình làm chủ tế với sự tham dự của các quan hàng tỉnh, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Ngày giỗ Tổ là ngày hội nhộn nhịp khắp mọi nơi. Miền xuôi, miền ngược, đồng bằng, vùng núi, miền biển... cùng chung một thời gian trong một không gian đất nước - ngày giỗ Tổ. Thiêng liêng thay hai tiếng đồng bào, xuất phát từ cùng một bọc trứng sinh ra. Không gian thiêng liêng ấy là núi Lĩnh đền Hùng; ở đó có quốc hồn Việt Nam, quốc tuý Việt Nam, một tài sản vô cùng độc đáo và không gì có thể so sánh được về giá trị nhân văn. Đã từ lâu, ngày giỗ Tổ thực sự trở thành ngày để chúng ta hướng về nguồn cội, ngày mà mọi người dân Việt Nam tự hào mình là dòng giống Con Rồng, cháu Tiên. Và vì thế, đền Hùng là nơi mà ta nghe như có tiếng vọng về của hồn thiêng sông núi Việt Nam...

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top