Hang Khó Chua La, tài sản văn hóa góp phần phát triển kinh tế du lịch

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2081 In bài viết
ĐBP - Hang Khó Chua La, thuộc địa phận bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), được người dân địa phương phát hiện năm 2008. Từ đó đến nay, hang được người dân và chính quyền bảo vệ, giữ gìn tốt. Năm 2014, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, UBND xã Xá Nhè tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ danh lam thắng cảnh hang Khó Chua La. Trên cơ sở kết quả hồ sơ khảo sát và nghiên cứu, ngày 9/12/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4252/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng danh lam thắng cảnh hang Khó Chua La là di tích cấp quốc gia.

Hang Khó Chua La cũng là hang thứ 2 của xã Xá Nhè và của huyện Tủa Chùa được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là vinh dự, tự hào của người dân địa phương. Hang Khó Chua La cách trụ sở UBND xã Xá Nhè hơn 1km, cách đường liên xã 300m, cách trung tâm huyện Tủa Chùa khoảng 15km đường nhựa. Đây là yếu tố thuận lợi làm cho hang Khó Chua La trở nên gần hơn với du khách.

Du khách tham quan hang động Khó Chua La.

Cùng với hang Khó Chua La, hang Xá Nhè đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, Xá Nhè còn có chợ phiên cứ 6 ngày họp một lần. Xá Nhè có 14 bản với 4 dân tộc thiểu số, văn hóa bản địa đậm đà bản sắc dân tộc (ẩm thực, tín ngưỡng, trang phục, lễ hội, văn hóa). Đây là tài nguyên du lịch, nếu được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp (đường điện, bãi đỗ xe, đường đi bộ lên hang, dịch vụ ăn uống, sản phẩm du lịch đặc trưng...), đẩy mạnh giới thiệu tuyên truyền quảng bá, khai thác hiệu quả, nơi đây sẽ là điểm đến của du khách. Đồng thời sẽ là sân chơi văn hóa tinh thần cho người dân trong vùng vào những dịp lễ tết, những dịp sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, của đất nước. Hang Khó Chua La nằm sâu hơn 800m trong lòng dãy núi đá vôi, là hang động tự nhiên, vẻ đẹp nguyên sơ với những khối nhũ đá lộng lẫy, hình thù kỳ lạ, tạo nên vẻ đẹp huyền bí, khí hậu mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Khu vực gần hang là rừng tái sinh đang được bảo vệ tốt, có nhiều hoa ban tạo nên điểm nhấn, tăng thêm vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ của hang động.

Trong ngày công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xã Xá Nhè tổ chức vui chơi tham quan, văn nghệ. Nhân dịp này, các sản phẩm đặc trưng của quê hương Tủa Chùa cũng được trưng bày qua các gian hàng: Chè cây cao, rượu Mông pê Sín Chải, sản phẩm thêu, nghề rèn Sính Phình, bánh dày Xá Nhè, sản phẩm mây tre đan dân tộc Khơ Mú, gà đen... Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về hang động, Khó Chua La là tài nguyên du lịch có giá trị về lịch sử, khoa học, du lịch và kinh tế. Tại lễ công bố Quyết định số 4252/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, phát biểu: Hiện tại, hang động ở Xá Nhè, chưa có ban quản lý, chưa có quy chế quản lý, khai thác, hoạt động nên đang khó khăn cho công tác quản lý, phục vụ khách tham quan. Là huyện nghèo, nguồn ngân sách do cấp trên phân bổ, huyện chưa bố trí được vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nên chưa khai thác, phát huy giá trị của hang động vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thời gian tới, sẽ đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về danh lam thắng cảnh của Xá Nhè và huyện Tủa Chùa tới nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh, cũng như du khách trong nước và quốc tế, thu hút tham quan, nghiên cứu, đầu tư, xã hội hóa đầu tư. Tranh thủ các nguồn lực, huyện sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở trong điều kiện cho phép để hang động Khó Chua La và hang Xá Nhè phát huy giá trị, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập, vừa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: Triệu Mai
Bình luận
Back To Top