Để du lịch làng bản phát huy hết tiềm năng

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2252 In bài viết
ĐBP - Nằm trong chương trình kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/1954 - 07/05/2004), cuối năm 2003 tỉnh ta hoàn thành Đề án tổ chức, xây dựng 8 bản văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, nhằm phục vụ khách tham quan du lịch nói chung và khách đến làm việc tại tỉnh nói riêng. Đó là Quyết định số 1889/QĐ-UBND ngày 06/11/2003 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ)...

Kể từ đó, khái niệm “du lịch làng bản” và “du lịch cộng đồng” dần hình thành không chỉ trong các văn bản hành chính mà trong quan niệm của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là ngành chức năng. Tiếp đó, ngày 24/09/2010, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6783/VPCP, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, ban hành và công bố các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ du lịch, các sản phẩm du lịch, môi trường du lịch theo tỉnh, thành phố. Trong đó, có một chi tiết mà chắc các nhà quản lý và tất cả những ai làm du lịch đều quan tâm, là đưa làng nghề trở thành điểm tham quan, du lịch.

Cầu thần rừng - một tín ngưỡng trong nông nghiệp của dân tộc Lào, xã Na Sang, huyện Điện Biên.

Theo đấy, các ngành chức năng: Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch và Bộ Tài nguyên & Môi trường thống nhất với UBND các tỉnh, về việc quy hoạch và xây dựng các làng nghề gắn với phục vụ khách du lịch, lựa chọn làng nghề truyền thống, có giá trị văn hóa đáp ứng được các điều kiện về vị trí, hàng hóa, vệ sinh môi trường... để kết hợp với các doanh nghiệp du lịch đưa làng nghề trở thành điểm tham quan, du lịch và cung cấp hàng hóa cho khách du lịch.

Về lý thuyết, khái niệm “Làng nghề du lịch” là một quan điểm đúng đắn và câu chuyện làm chúng ta nhớ lại cách đây gần 10 năm, nhân Kỷ niệm 53 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 6/5/2007 tại thành phố Điện Biên Phủ, một cuộc hội thảo khu vực được tổ chức mang chủ đề rất thiết thực: “Tây Bắc với công cuộc xoá đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch cộng đồng”. Trong chương trình hội thảo, mấy chục báo cáo tham luận đã được trình bày với những kiến thức hàn lâm về du lịch, về du lịch cộng đồng, về du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm này mà nói, ở tỉnh ta còn nhiều điểm du lịch bỏ trống, nhiều tour du lịch, nhiều loại hình du lịch chưa được đầu tư, khai thác một cách bài bản. Để có thể “xoá đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch cộng đồng”, đúng như mục tiêu nhân đạo của cuộc hội thảo, đó không chỉ là khát vọng mà còn là một sự thách thức trách nhiệm và trí tuệ của chúng ta.

Theo các chuyên gia ngành du lịch: Trong một số loại hình du lịch bắt buộc có cộng đồng tham gia mới hình thành phát triển như du lịch sinh thái, du lịch bền vững... là những nơi có nhiều tài nguyên hoang dã còn nguyên trạng, đã thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Nhưng các khu vực này thường điều kiện giao thông không thuận lợi, nên rất khó khăn cho các hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty du lịch. Vì vậy khách du lịch và các nhà kinh doanh thường dựa vào động đồng dân cư tại các làng, bản, xóm, thôn. Hơn nữa các cộng đồng nơi đây cũng có các phong tục tập quán, lễ hội, lối sống, kiến trúc nhà ở... trở thành tài nguyên du lịch cung cấp cho khách du lịch tìm hiểu thưởng thức.

Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư tại đây có nhiều khó khăn trong đời sống, thiếu công ăn việc làm, thu nhập thấp, trình độ dân trí và văn hoá bao giờ cũng hạn chế hơn các khu vực khác. Nếu du lịch phát triển sẽ đem lại những cơ hội việc làm cho người dân của các cộng đồng có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới hoạt động du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải thiện rõ rệt hơn: Hệ thống đường giao thông, nước sạch, trạm bưu điện, việc làm và thu nhập được cải thiện theo sự gia tăng của mức độ và lưu lượng du khách, một số cộng đồng nhân cơ hội này phá được thế biệt lập, sử dụng các nguồn lực hiện có của mình về cảnh quan, nước, rừng, biển, động thực vật... vốn trước đây bị quên lãng, nay thành tiềm năng phát triển.

Trò chơi truyền thống Tó má lẹ của dân tộc Thái, thị xã Mường Lay.

Mới đây, dịp Lễ hội Hoa ban tháng 3/2016, tôi được mời tham dự một số cuộc giao lưu tại các bản văn hóa du lịch theo Quyết định số 1889/QĐ-UBND (đã dẫn). Điều dễ dàng nhận thấy là sau hơn 10 năm thực hành, nói chung kỹ năng làm “du lịch cộng đồng” của các bản đều nâng lên rất rõ rệt. Bằng sự nhanh nhạy trải nghiệm, các bà các chị người Thái tại nhiều bản tỏ ra rất linh hoạt trong đón tiếp và nhất là trong những câu chuyện xã giao với khách. Các mâm cơm được bày ra một cách bắt mắt với hầu hết những món ăn truyền thống trong nền văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Đó là cá nướng, măng đắng, chẩm chéo, cơm lam, xôi ngũ sắc... và thật tuyệt vời khi được thưởng thức món nộm hoa ban giữa mùa hoa ban, ngay trong dịp Lễ hội Hoa ban! Tuy nhiên, nhiều người trong chúng tôi có cảm giác hình như vẫn thiếu một cái gì đó thật cơ bản, thật giản dị, thật gần gũi... trong căn nhà truyền thống của đồng bào Thái đen. Thì ra đó chính là cái bếp lửa rất thân thuộc, rất đời thường với chức năng bếp đun nước, sưởi ấm và tiếp khách nam giới ở đầu quản; bếp nấu ăn, nấu cám lợn đặt ở đầu chán, đồng thời đây cũng là nơi tiếp khách nữ giới, theo phong tục cổ truyền dân tộc Thái đen (Táy đăm).

Mấy năm gần đây, nhiều tỉnh vùng cao đã và đang phát huy thế mạnh văn hoá bản địa hoang sơ của các dân tộc thiểu số để làm du lịch. Tuy nhiên, trong “guồng quay” đến chóng mặt của đời sống thời công nghiệp hiện đại, ý tưởng đưa văn hóa làng bản thành sức hấp dẫn du lịch đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Xây dựng các bản văn hoá, xây dựng nhà văn hoá trong các bản văn hoá để có không gian sinh hoạt văn hoá... đương nhiên đó là hướng đi đúng, sáng tạo và mạnh dạn. Tuy vậy, đúng, sáng tạo và mạnh dạn nhưng chưa đủ để duy trì các hoạt động văn hoá, chưa đủ để bảo tồn bản sắc văn hoá? Có ý kiến cho rằng: Trước khi muốn phát triển thành điểm du lịch thì điều kiện “cần” là phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá cho đúng cách, đúng với cội nguồn chân - thiện - mỹ. Với Điện Biên, do những tính chất đặc thù của một tỉnh biên giới nên Điện Biên có ưu thế mở rộng giao lưu quốc tế, quan hệ với các tỉnh bạn và khu vực, tiếp thu tinh hoa văn hoá các dân tộc, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đảm bảo tính phong phú, đa dạng và hiệu quả. Cái cần lưu ý là chúng ta đang sống giữa thời đại hội nhập toàn diện và mạnh mẽ. Trong quá trình ấy, điều tất yếu xảy ra đó là sự tác động qua lại lặng lẽ, đa dạng, vô tình hoặc hữu ý giữa các nền văn hoá với những sắc thái và bản ngã khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Như ý kiến của các chuyên gia, suy cho cùng du lịch làng bản chính là du lịch trải nghiệm với những nhu cầu tìm hiểu, khám phá về bản sắc văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, phong tục tập quán của một cộng đồng dân cư xác định...

Như mọi người từng biết: Sáng 14/3/2016 tại thành phố Điện Biên Phủ, đã diễn ra “Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh”; do Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. Trong chương trình hội thảo, hàng chục tham luận đã được trình bày cho thấy sự cần thiết trong việc đẩy mạnh công tác phát triển du lịch ở Điện Biên, trên cơ sở các sản phẩm du lịch của địa phương. Là người tham gia hội thảo với tư cách Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bà Vũ Thị Tuyết Nga cho rằng: Để du lịch làng bản phát huy hết tiềm năng, nói cách khác, để biến tiềm năng, thế mạnh du lịch làng bản thành lợi ích vật chất, rất cần có những nghị quyết chuyên đề đủ mạnh về phát triển văn hoá - du lịch, quyết tâm đưa du lịch làng bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phương hướng phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Một mặt đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch liên doanh để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thiết kế các tuyến và chương trình du lịch khép kín, linh hoạt và thật sự chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá di sản văn hoá dân gian phi vật thể các dân tộc trên các phương tiện truyền thông. Khuyến cáo đến mọi làng bản và mọi người dân, về ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá của dòng họ mình, dân tộc mình và quê hương mình...

Bài, ảnh: Song Sơn
Bình luận
Back To Top