Du lịch Điện Biên Đông

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

00:00 - Thứ Sáu, 08/04/2016 Lượt xem: 1882 In bài viết
ĐBP - Vốn có tiềm năng phát triển du lịch, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như: Tháp Chiềng Sơ, hồ Noong U, hang Mường Tỉnh… Song đến nay, huyện Điện Biên Đông vẫn chưa thể khai thác, phát huy được lợi thế đó.
Di tích lịch sử tháp Mường Luân còn ít khách du lịch đến tham quan.

Cuối tháng 3, chúng tôi đến xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông - nơi không chỉ được biết đến là miền đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng mà còn có tiềm năng về du lịch. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ 3 gian giản đơn, ông Giàng A Ly (80 tuổi, bản Pu Nhi D), cho biết: Sự kiện cuộc Khởi nghĩa Giàng Tả Chay (người thanh niên người dân tộc Mông có tài bắn nỏ giỏi nhất vùng Pu Nhi kêu gọi nhân dân trong bản, trong vùng nổi dậy phất cờ khởi nghĩa chống ách thống trị của giặc Pháp) là mốc sự kiện lịch sử quan trọng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Pu Nhi hôm nay đã thay da đổi thịt từng ngày. Song Pu Nhi giờ đây vẫn lưu giữ trong mình bao dấu tích lịch sử và danh lam thắng cảnh kỳ thú do thiên nhiên ban tặng. Ở Pu Nhi, chỉ từ cái tên Na Ngàm (ruộng đẹp) đã thấy một bản làng trù phú với những tảng đá tròn nhẵn gối nhau trải dài thành vùng đất vững chắc. Ngoài ra, Pu Nhi còn có hồ trên núi Noong U được người dân gọi là “Ao thần” quanh năm hoang vu hư ảo như có bàn tay của tạo hóa sắp đặt. Cách bản Nặm Ngàm 3km là hang Pha Bạt sâu khoảng 100m, rộng 30m, từng là nơi trú quân của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Hang chia làm 2 ngăn với những nhũ đá như những rèm tua, thềm đá lượn hình bán nguyệt, bên trong có vách đá đỏ phẳng phiu như có bàn tay người gọt đẽo...

Là miền đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và tiềm năng về du lịch, song không chỉ Pu Nhi mà nhiều địa danh khác ở huyện Điện Biên Đông vẫn chưa được đánh thức tiềm năng, lợi thế. Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông, cho biết: Ngoài di tích lịch sử tháp Mường Luân (xã Mường Luân), tháp Chiềng Sơ (xã Chiềng Sơ), hang Mường Tỉnh (xã Sa Dung), hồ Noong U (xã Noong U), thì còn có di tích Khởi nghĩa Giàng Tả Chay có tiềm năng phát triển du lịch. Song không chỉ khách du lịch mà nhiều người địa phương cũng còn ít biết đến di tích khởi nghĩa này. Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trong tiến trình lịch sử của tỉnh, việc nghiên cứu, lập hồ sơ cho di tích Khởi nghĩa Giàng Tả Chay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa nằm trên địa bàn tương đối rộng nên việc nghiên cứu, khảo sát điền dã, khai thác thông tin cho việc lập hồ sơ còn gặp khó khăn. Cần phải lựa chọn, ưu tiên những địa bàn hiện còn lưu lại sự kiện tiêu biểu như: Nơi đóng quân, diễn ra những trận đánh lớn của nghĩa quân để xác định tọa độ phục vụ cho việc lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng di tích, khoanh vùng cắm mốc và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về di tích sau này.

Cùng với di tích Khởi nghĩa Giàng Tả Chay thì đến nay các di tích còn lại vẫn chưa được bố trí kinh phí bảo dưỡng. Do vậy, qua nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, cơ sở lưu trú, nhà hàng, sản phẩm du lịch... hầu như chưa có để phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu. Gần 10 năm sau khi tháp Mường Luân được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đường giao thông từ huyện đến Mường Luân đã rải nhựa. Tuy nhiên, lượng du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu khoa học vẫn khiêm tốn. Sau khi nâng cấp, sửa chữa tháp Mường Luân được giao cho nhân dân 3 bản Mường Luân trông nom bảo vệ. Tại đây, hạ tầng cơ sở phục vụ tham quan hầu như chưa có. Ngoài ra, hang Mường Tỉnh cũng chưa được đầu tư kinh phí tôn tạo và bảo vệ. Hiện nay, khu vực di tích hang Mường Tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, đường giao thông còn là vấn đề gây nhiều trở ngại đặc biệt vào mùa mưa. Cùng với đó thì đường vào hồ Noong U đã xuống cấp, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư đồng bộ...

Năm 2012, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại huyện Điện Biên Đông, tập trung ở một số điểm có tiềm năng khai thác du lịch như: tháp Mường Luân, tháp Chiềng Sơ, hồ Noong U, hang Mường Tỉnh, thác Pú Nhi. Thông qua khảo sát đã phân tích, đánh giá tiềm năng, thực trạng cũng như tính khả thi trong việc khai thác các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện, từ đó, làm cơ sở đưa vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Song hành trình đưa Điện Biên Đông trở thành điểm đến của du khách về du lịch lịch sử, sinh thái còn chặng đường dài, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp, cũng như sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top