Khó khăn du lịch cộng đồng

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 4669 In bài viết
ĐBP - Là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch, ngoài các di tích lịch sử, Điện Biên còn có nền văn hóa phong phú của 19 dân tộc và phong cảnh thiên nhiên đẹp với hệ thống hang động nguyên sơ. Đây là tiềm năng, lợi thế để Điện Biên phát triển ngành du lịch không khói mà theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, với lợi thế như vậy, Điện Biên có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt là các bản văn hóa ở khu vực thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Khách du lịch giao lưu văn nghệ, múa sạp tại bản Co Mỵ, huyện Điện Biên.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch gắn với đời sống của người dân, trong đó có các dịch vụ như: “Homestay” là dịch vụ ăn, ở cùng nhà dân; du lịch nông thôn du khách sẽ được sống cùng người dân, hòa mình vào những công việc thường ngày của họ và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; du lịch ẩm thức, văn hóa du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sắc, hòa mình vào những điệu múa, hát truyền thống... Khi tham gia các loại hình du lịch này du khách sẽ cùng sống, sinh hoạt trong các gia đình để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây, cùng tham gia vào các hoạt động của người dân. Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa vô cùng hấp dẫn như: thịt trâu hun khói, cá nướng, măng đắng, gỏi cá... quay trong điệu xòe, ngất ngây trong men rượu ngô thơm ngọt, thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái và để được một lần là “người dân tộc Thái”… Song hiện nay loại hình này vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành và cả chính những hộ làm dịch vụ du lịch quan tâm, chú trọng.

Thực tế, hoạt động du lịch cộng đồng đã được nhiều địa phương có nét tương đồng về văn hóa với Điện Biên như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai khai thác khá hiệu quả. Trong khi đó, du lịch cộng đồng lại rất được khách quốc tế ưa chuộng, tuy nhiên, ghi nhận thực tế và ý kiến chung của du khách thì sản phẩm du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa du lịch của Điện Biên so với các tỉnh bạn còn quá nghèo nàn và đơn điệu. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở hai hình thức là thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ. Hiện tại cũng mới có tại một số bản văn hóa trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ như: bản Mển, bản Him Lam 2, bản Noong Chứn, bản Phiêng Lơi...

Noong Chứn là bản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái thu hút khá nhiều du khách nội địa và quốc tế ở T.P Điện Biên Phủ. Song du khách đến Noong Chứn mới chỉ để thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ, còn các hình thức khác của du lịch cộng đồng mà bản có khả năng đáp ứng lại chưa được khai thác. Anh Lò Văn Phong, trưởng bản Noong Chứn và cũng là một trong những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại bản cho biết: Hiện tại gia đình anh cũng làm dịch vụ ăn uống tại nhà phục vụ các đoàn khách du lịch đến tham quan. Ngoài ra, nếu đoàn nào có nhu cầu thì sẽ tổ chức chương trình văn nghệ do đội văn nghệ gồm chính chị em trong bản biểu diễn để quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Nhưng do hoạt động chủ yếu thông qua giới thiệu từ các công ty du lịch nên lượng khách tới cũng không thường xuyên. Chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế mang lại cũng chưa cao. Trong khi đó, Noong Chứn là bản nằm gần khu vực trung tâm thành phố, đường trong bản đã được bê tông hóa và người dân vẫn lưu giữ được bản sắc dân tộc. Hơn nữa, gần bản là nơi người dân canh tác, sản xuất, có cánh đồng lúa xanh tốt nếu du khách có nhu cầu hoàn toàn có thể tham gia hoạt động sản xuất cùng bà con, hòa mình vào thiên nhiên nơi đây. Lợi thế sẵn có là vậy nhưng anh Phong cũng chưa biết phải triển khai mô hình này như thế nào, anh cũng hy vọng được các cơ quan làm du lịch của tỉnh quan tâm, hướng dẫn để người dân bản Noong Chứn nói riêng và các bản văn hóa có điều kiện và lợi thế tương tự có thể triển khai được mô hình du lịch cộng đồng có hiệu quả.

Du khách tham quan cột mốc A Pa Chải, huyện Mường Nhé.

Để có thể thu hút du khách đến Điện Biên, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch thì Điện Biên hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, loại hình du lịch homestay tại các bản văn hóa.

Bản văn hóa U va, huyện Điện Biên cũng là một trong những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phục vụ du lịch cộng đồng, nơi đây có nhiều nhà sàn đảm bảo điều kiện cho khách nghỉ ngơi, chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị, tu sửa lại nhà vệ sinh đảm bảo các điều kiện thiết yếu có thể phục vụ khách. Gần bản U va là 3 ngọn núi Nàng Nòn, Tạo Nòn và Pú Huổi Chọn cùng hai dòng sông Nậm Rốm và Nậm Núa, những cánh đồng xanh tốt nằm dọc bờ sông đã tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Du khách đến đây có thể đi leo núi, tham gia sản xuất, thu hoạch rau màu, xuống sông đánh bắt cá cùng người dân; khi muốn nghỉ ngơi, du khách có thể đến ngâm mình trong bể tắm nước khoáng nóng tại khu Du lịch sinh thái U va gần đó... Tuy nhiên, những lợi thế như vậy cũng chưa được đưa vào khai thác hiệu quả.

Du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống. Tuy nhiên, muốn du lịch cộng đồng phát triển thì điều vô cùng quan trọng là phải giữ nguyên văn hoá bản địa, đó cũng là mong muốn của du khách khi du lịch cộng đồng và cũng cần có định hướng để giúp đồng bào các dân tộc gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có. Song thực tế, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay thì nhiều giá trị truyền thống đang bị mai một.

Trong một lần tôi cùng đoàn khách du lịch ở miền Nam đi tham quan một số bản văn hóa ở khu vực TP. Điện Biên Phủ, sau khi đưa các bạn đến thăm bản Him Lam 2, bản Noong Chứn, Phiêng Lơi... các bạn lấy làm tiếc vì thấy những chiếc cầu thang bằng gỗ đặc trưng nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc giờ đây đã bị bê tông hóa và hầu hết mái lợp ngói trước kia giờ cũng thay thế bằng mái tôn mang nét hiện đại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Trung, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết: Hiện nay, đơn vị cũng đang đề xuất những giải pháp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại một số bản có đủ điều kiện thuận lợi. Quan điểm của chúng tôi là phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng thì du lịch cộng đồng mới phát triển đúng hướng và bền vững. Một nền du lịch bền vững thì người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Vì vậy, để có thể triển khai mô hình này cần được sự ủng hộ của nhiều cơ quan ban ngành liên quan cũng như sự đồng thuận của nhân dân địa phương.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top