Phát huy giá trị di tích lịch sử trong phát triển du lịch

00:00 - Thứ Sáu, 06/05/2016 Lượt xem: 2749 In bài viết
ĐBP - Những năm qua tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Để phát huy hơn nữa thế mạnh và giá trị di tích lịch sử trong phát triển kinh tế du lịch, Điện Biên đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, nhằm đổi mới toàn diện để gọi mời và giữ chân du khách...

Với tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch đã trở thành ngành mũi nhọn có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh ta. Song những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực du lịch là không nhỏ. Chính bởi vậy, Điện Biên đã nỗ lực nắm bắt xu thế, “biến tiềm năng thành thế mạnh du lịch” từ những giải pháp đồng bộ, cụ thể tập trung vào phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch. Đặc biệt là phát huy giá trị các di tích lịch sử, nơi lưu giữ chiến tích năm xưa, như: Đồi A1, C1, D1, cứ điểm Hồng Cúm, đồi Độc Lập, Nghĩa trang Liệt sỹ A1... Tất cả được quy tụ thành cụm di tích liên hoàn như một bức tranh gợi lên khung cảnh cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ vừa sống động, vừa sâu lắng với những hình ảnh, hiện vật có ý nghĩa như hình tượng: Anh bộ đội cụ Hồ, chiến sỹ Điện Biên kéo pháo, xe đạp thồ...

Du khách tham quan Đồi A1.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, Bảo tàng quản lý quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Trong đó, 7 điểm di tích có thu phí, gồm: Đồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, đường kéo pháo, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ… Năm 2015, Bảo tàng đã mở cửa phục vụ đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ, tết với 726 buổi, 290.876 lượt người. Trong đó: Khách trong nước 214.677 lượt người; quốc tế 17.472  lượt; khách tham quan triển lãm 21.720 lượt người…

Để khai thác và phát huy giá trị các di tích nằm trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn du khách, Bảo tàng đã xây dựng Phương án “Điều chỉnh tuyến tham quan và Quy hoạch khu dịch vụ nhằm khai thác, phát huy giá trị di tích Đồi A1”. Theo đó, Bảo tàng sẽ cải tạo Nhà Sa bàn (Di tích Đồi A1) thành nhà đón tiếp và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại đây; điều chỉnh tuyến tham quan phù hợp; hướng dẫn khách di chuyển theo lộ trình lối lên, xuống; xác định điểm đón và điểm kết thúc của tuyến tham quan. Thuyết minh viên sẽ thuyết minh tại 10 điểm, khai thác sâu những thông tin gây xúc động đến tâm tư, tình cảm của người nghe, như: Lô cốt Cây đa cụt, xe tăng, hầm cố thủ, hố bộc phá… Dọc tuyến tham quan, bố trí hệ thống loa chôn ngầm mở các bài hát ca ngợi chiến thắng, mảnh đất và con người Điện Biên. Đồng thời, theo Phương án, Bảo tàng cũng sắp xếp, cải tạo khu vườn vải để khách tham quan dừng chân nghỉ ngơi và sử dụng các dịch vụ khác; di chuyển toàn bộ dãy hàng quán hai bên đường, quy hoạch sắp xếp lại các ki ốt sang khu vực nhà bảo vệ phía Đông Đồi A1, đảm bảo quản lý chặt chẽ khu vực dịch vụ.

Bên cạnh việc tôn tạo, điều chỉnh tuyến tham quan tại Đồi A1, Bảo tàng đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ khoa học và các tài liệu liên quan đến 23 điểm di tích thành phần đề nghị bổ sung vào quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; khoanh vùng, cắm mốc các điểm di tích theo Quyết định 41/BVH; khảo sát việc cắm mốc, đặt bia tại 3 di tích: Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu, Tòa soạn Tiền phương của Báo Quân đội Nhân dân tại Mường Phăng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở hang Huổi He. Đồng thời, biên tập lại lý lịch di tích Hầm Đờ - cát, đồi Him Lam, Đồi Bản Kéo, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng…

Cũng theo bà Vũ Thị Tuyết Nga: Để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch tham quan các điểm di tích, thời gian qua, Bảo tàng đã từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên, duy trì nghiêm các tiêu chí về nhiệt tình, thân thiện, hòa nhã… Cùng với đó, đơn vị đã đề ra khẩu hiệu: Không bao giờ nói câu “hết giờ” với khách, đồng thời tăng thời gian tiếp đón “cứng” lên 10 giờ/ngày. Với phương châm “giữ chân du khách lâu hơn, khai thác triệt để giá trị điểm di tích, tích cực quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh”, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã bồi dưỡng, quán triệt tất cả các nhân viên tại điểm di tích phải nắm chắc các nội dung, ý nghĩa lịch sử của di tích để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần, trách nhiệm, mong rằng công tác trùng tu, tôn tạo các điểm di tích thuộc quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ sẽ được thực hiện có hiệu quả; góp phần đưa hình ảnh thân thiện, giàu truyền thống cách mạng của mảnh đất và con người Điện Biên đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top