Xuôi dòng Đà Giang

00:00 - Thứ Sáu, 06/05/2016 Lượt xem: 2659 In bài viết
ĐBP - Nhìn từ trên đỉnh dốc Khâu Hang xuống thung lũng Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa), trong ánh sáng mờ ảo, lúc ẩn lúc hiện, dòng Đà giang trải dài với những dãy núi như những nếp nhăn xếp chồng lên nhau. Sông Đà giờ đây hiền hòa, yên ả lắm! Mặt nước trong xanh, phẳng lặng như tấm gương phản chiếu bầu trời. Nếu ai đó đã từng một lần đi trên dòng sông mới hiểu hết hùng vĩ của trời đất. Giờ đây, sông Đà không còn giống như "gã say rượu" hung hăng, mặt lúc nào cũng đỏ ngầu mà trở thành cô gái bản xinh đẹp, dịu dàng. Khi sương còn giăng kín mặt nước, ôm lấy các núi nhấp nhô thì vài chiếc thuyền sắt đã tí tách đổ đó tôm. Gần đó là tiếng cười, tiếng nói hoan hỷ khi được mẻ cá lớn cho kịp chợ sáng.

Bến sông Huổi Trẳng có nhiều thuyền hàng của thương lái từ vùng xuôi lên.

Anh Lò Văn Chung (thôn Tà Huổi Tráng 2, xã Tủa Thàng) vui vẻ nhận lời làm "hướng dẫn viên du lịch" miễn phí cho chúng tôi. Xuống bến đò ở Huổi Trẳng, anh Chung đẩy mũi thuyền ra xa rồi một tay giữ máy, một tay thoăn thoắt quay máy nổ. Bọt nước từ cánh quạt bắn lên tung tóe rồi chiếc thuyền ngoặt rẽ sóng, xuôi dòng. Về trưa, mặt trời lên cao, lớp sương chỉ còn là là mặt nước, những ngọn núi cũng lộ dần rồi trồi lên. Vùng lòng hồ sông Đà nhấp nhô những dãy núi chập chờn xanh mướt cây như một tiểu hạ long khơi mình trong nắng. Xa xa, những vó bè được người dân thả như những ô vuông khổng lồ nổi bồng bềnh trên mặt nước xanh thẳm. Được bồi đắp bởi vùng lòng hồ màu mỡ, thiên nhiên vỗ về, con người kiến tạo, bên sông Đà nay đã hình thành một vùng đất mới. Trên bến, dưới thuyền, người từ núi xuống, người từ phương xa tới làm ăn sinh sống ngày một đông.

Đi dọc sông Đà bằng đường thủy, anh Chung giới thiệu với chúng tôi những người gắn bó với sông nước như anh và hầu hết họ đã có nhiều năm kinh nghiệm thủy trường. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Câu (quê ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề buôn bán tạp hóa dọc sông Đà đoạn qua Tủa Chùa cho biết: Trước khi gắn bó với dòng Đà giang, anh Câu thường xuyên chở hàng đến các chợ sông thuộc tỉnh Hòa Bình. Anh Câu biết điều khiển mái chèo khi mới lên mười. Theo anh, đây là những kỹ năng sinh tử cần biết của người làm nghề sông nước. Khác những ngày sông lặng sóng yên bình, khi sóng dậy do bão lũ hoặc vào ngày sương mù khiến những người lái đò thủy trường cũng phải chật vật. Mới đầu vào nghề, anh Câu cũng phải mất cả tháng trời để quen việc, học từ cách lái máy đến vượt dòng ở các khúc cua gấp. Đặc biệt, khi nước dâng đột ngột thì phải thật thành thạo nếu không mất mạng như chơi. Những người lái thuyền đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng vào những chuyến hàng ngược dòng xa xôi tận thượng nguồn. Vừa lái cho thuyền ghé bến, anh Câu vừa kể: Có lần đang chở hàng ngược lên khu vực bến Huổi Trẳng (xã Tủa Thàng) và Huổi Lóng (xã Huổi Só) thì thuyền bất ngờ chòng chành. Anh phải bám chặt tay lái, vượt qua khúc cua, mò mẫm đi trong sương để không bị va vào núi đá. Đi nhiều cũng thành quen, sương mù dày đặc nhưng chỉ cần nhìn lên sườn đồi nhấp nhô là anh có thể định vị được đúng đường. Đoạn nào có núi đá gấp khúc đáng gờm hay đoạn nào lòng sông gồ ghề anh thuộc như lòng bàn tay. Với anh Câu, mưu sinh trên sông tuy vất vả nhưng nếu chịu khó "thuần sông" thì cuộc sống cũng dư dả hơn làm nông nghiệp. Trừ tiền dầu và các chi phí, anh Câu có nguồn thu nhập ổn định trên 450 triệu đồng/năm.

Trong giới lái thuyền buôn bán dọc sông Đà, anh Phạm Ngô Tuyền quê ở Thường Tín, Hà Nội. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là chiếc thuyền 120 tấn của anh Tuyền không khác một siêu thị mini với đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng phong phú, đa dạng. Từ những thực phẩm nhỏ như cân đường, gói bánh, chiếc kẹo đến những nguyên vật liệu xây dựng như tấm lợp prôximăng, xi măng, sắt, thép… Thuyền được chia làm 2 khoang chính, trong đó có khoang để bán hàng và kho hàng. Đuôi thuyền có gian bếp nhỏ và bể nước ngọt ngầm có thể tích trữ nước sinh hoạt cho cả tháng. Sống trên sông, đâu đâu cũng chỉ là nước nên anh Tuyền thường xuyên tích trữ lương thực và nuôi cả gia cầm trên thuyền để cải thiện bữa ăn. Thời gian đầu ghé bến mưu sinh, anh gặp không ít khó khăn bởi người dân chỉ lạ lẫm kéo đến xem chiếc thuyền "vạm vỡ", "bụng" chứa đầy hàng hóa mà chẳng hề mua gì. Song giá cả các mặt hàng lại rất phải chăng, chỉ bằng hoặc thấp hơn giá tại trung tâm huyện Tủa Chùa, bởi vậy mà thay vì đi hàng chục cây số ra chợ huyện như trước, giờ đây người dân các xã ven sông Đà đã quen xuống bến sông để mua hàng. Hàng tháng, mỗi chuyến chở hàng từ tỉnh Sơn La đến Điện Biên cũng bán ngót nghét 300 triệu đồng. Trừ tiền dầu, ăn uống, anh có thể trang trải cuộc sống cho gia đình.

Chiều về, mặt trời đỏ lựng, trông như quả cà chua chín khổng lồ xuống núi. Ánh sáng vơi dần, màn đêm buông xuống. Những chiếc thuyền chở hàng lại chuẩn bị ngược dòng, bắt đầu cuộc hành trình mới trên bến sông khác. Bến Huổi Trẳng không còn hiu quạnh như xưa mà thuyền bè qua lại tấp nập. Dòng Đà giang không những mang lại ấm no cho người dân bản địa mà còn có các thương nhân quanh năm ngược xuôi trên sông nước.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top