Khám phá hang động Na Côm

00:00 - Thứ Hai, 09/05/2016 Lượt xem: 3094 In bài viết
ĐBP - Tháng 2/2014, Bảo tàng tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) khảo sát, lập hồ sơ khoa học hang động Na Côm. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, hang động Na Côm thuộc loại hình di tích danh lam thắng cảnh. Nằm ở khu vực biên giới, trong núi đá vôi Chua Ta, xung quanh là rừng nguyên sinh, hang động Na Côm hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên: Địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh thái, cảnh quan môi trường. Từ khi phát hiện đến nay, hang động Na Côm trở thành điểm đến, thu hút đông đảo du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Từ trung tâm xã Na Ư (huyện Điện Biên) đi chừng 8km đường đất dốc quanh co, mấy lần qua suối nhỏ đến bản Na Côm (xã Hẹ Muông), rồi đi bộ ngược dốc chừng 300m đến hang động. Trước cửa hang có cây gỗ sâng (thuộc gỗ nhóm IV) khoảng gần 100 năm tuổi, cao chừng hơn 30m. Để vào được trong hang động, du khách phải chui qua cửa hang với chiều cao khoảng 70cm, rộng 60cm. Trong hang, nơi rộng nhất 25-30m, cao 18-20m. Các khối nhũ đá do thời gian và thiên nhiên tạo nên thành nhiều hình tượng, con vật, màu sắc khác nhau làm cho hang động giống như một bức tranh chạm khắc khổng lồ đẹp lung linh huyền ảo. Cuối hang động là thác nước chảy ra ngoài, đổ xuống ruộng bậc thang. Vẻ đẹp hoang sơ làm cho hang động Na Côm thêm hấp dẫn, trở thành điểm đến khám phá, trải nghiệm trong những dịp cuối tuần, lễ, tết của nhiều người.

Khách du lịch tham quan hang động Na Côm.

Sau khi hang động Na Côm được công bố là di tích danh lam thắng cảnh, UBND huyện Điện Biên giao cho UBND xã Hẹ Muông và bản Na Côm quản lý, bảo vệ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho du khách tham quan tìm hiểu. Ông Lầu A Dình, Trưởng bản Na Côm, cho biết: Đường đến hang động là đường đất chỉ đi được xe máy vào mùa khô, bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa được phủ sóng điện thoại di động, nhưng gần đây du khách đến hang động tham quan, giao lưu với bà con trong bản khá nhiều. Các đoàn đến phần lớn là thanh niên, họ gửi xe máy ở nhà dân, thanh thiếu nhi trong bản dẫn đường cho các đoàn tham quan, tìm hiểu. Vì nhiệt tình trong dẫn đường, giới thiệu di tích, thân thiện trong giao tiếp nên người hướng dẫn của bản được du khách trả tiền bồi dưỡng. Cũng theo Trưởng bản Lầu A Dình, nhờ có hang động Na Côm nên bản Na Côm trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn trước, bà con được giao lưu, tiếp xúc với nhiều người, nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội. Một số sản phẩm nông sản của địa phương: Rau rừng, gà, vịt, lợn... được du khách ưa chuộng và trở thành hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập.

Đoàn chúng tôi khám phá hang động Na Côm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Từ trung tâm xã Na Ư, đi xe máy trên đoạn đường gần 8km độ dốc cao, quanh co, qua nhiều con suối nhỏ. Nhiều đoạn bị nước mưa chảy làm sạt lở và tạo thành khe sâu giữa lòng đường, rất khó đi. Gần khu vực hang là dòng suối Huổi Giống trong xanh. Ngày hôm đó, cùng với đoàn chúng tôi đến đây trải nghiệm, khám phá hang động còn nhiều đoàn khác ước chừng khoảng trên 40 người. Mỗi đoàn có vài em nhỏ và 1 người lớn là người dân bản Na Côm tình nguyện dẫn đường. Các em tuy còn nhỏ nhưng lớn lên và sống chung với núi rừng nên leo núi và đi bộ còn khỏe hơn cả du khách. Là dân bản địa, các em thuộc từng lối đi, điểm rẽ, ngõ ngách của hang động.

Đường đến hang động Na Côm xa xôi, hiểm trở, nhưng cảnh đẹp hoang sơ hùng vĩ, người dân thân thiện; nên nơi đây đã trở thành điểm đến, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Được đầu tư hạ tầng cơ sở: Đường giao thông, điện lưới quốc gia, phủ sóng điện thoại di động, nơi gửi xe máy, dịch vụ ăn uống, hang động Na Côm sẽ phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng, tạo thêm thu nhập cho người dân bản địa.

Bài, ảnh: Triệu Mai
Bình luận
Back To Top